Siết mức lãi cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính
Công an huyện Đắk Song, Đắk Nông thu giữ nhiều tang vật liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi trên địa bàn - Ảnh: NAM NGUYÊN
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Quốc Hùng, vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), kết quả khảo sát vừa được Ngân hàng Nhà nước thực hiện tại 7 địa phương (Bắc Giang, TP.HCM, Bình Dương, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Thanh Hóa) có cho vay tín dụng tiêu dùng lớn và hoạt động tín dụng đen nhức nhối thời gian qua cho thấy công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất khó tiếp cận vốn vay ngân hàng mà phải vay của các công ty tài chính với lãi suất cao.
Cụ thể, mức lãi suất phổ biến mà các công ty áp dụng là 40 - 50%/năm, một số trường hợp lãi suất cho vay lên đến 85%/năm đối với tùy loại sản phẩm và thường áp dụng với số tiền cho vay ban đầu, không tính theo dư nợ giảm dần.
Đơn cử, Công ty tài chính TNHH Ngân hàng Phát triển TP.HCM có mức lãi cho vay từ 42 - 80%. Công ty TNHH MB Shinsei có lãi suất cho vay mua thiết bị các sản phẩm công nghệ cao 31 - 75%/năm, cho vay mua xe hai bánh 30 - 70%/năm, cho vay tiền mặt tối đa 75%/năm...
Theo ông Hùng, các công ty tài chính đáp ứng mọi nhu cầu của người thu nhập thấp với nhiều hình thức cho vay phong phú như cho vay trả góp, cho vay tiền mặt... với hồ sơ được xét duyệt đơn giản như chỉ cần chứng minh nhân dân, hộ khẩu, điện thoại liên lạc, bằng lái xe.
Thời gian xét duyệt vay nhanh chóng chỉ trong ngày. Do đó, nhiều người thu nhập thấp đã tìm đến các công ty tài chính để vay vốn khi có nhu cầu.
Tuy nhiên, cách thức thu hồi nợ của một số công ty tài chính gây ra bức xúc cho người vay, như gọi điện thoại liên tục cho người thân, thậm chí có biểu hiện quấy rối, đe dọa gây áp lực tâm lý...
Một số trường hợp công ty tài chính bán nợ cho các công ty đòi nợ thuê không được cấp phép, đứng sau là các tổ chức tội phạm.