|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhiều nước tăng mua rau quả chế biến của Việt Nam

19:50 | 04/03/2024
Chia sẻ
Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ tăng mua giúp rau quả chế biến của Việt Nam khởi sắc những tháng đầu năm, giảm tình trạng "được mùa mất giá" nhiều năm qua.

Ông Nguyễn Văn Thứ - Chủ tịch Hội đồng quản trị GC Food - cho biết sức mua của người tiêu dùng trong nước với rau quả chế biến đầu năm chậm lại nhưng trên thế giới vẫn gia tăng. Các sản phẩm có chất lượng cao, tốt cho sức khỏe ngày càng được người tiêu dùng các nước ưu tiên trong giỏ hàng.

"Đầu năm, doanh thu xuất khẩu của công ty tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Chúng tôi đang có đơn hàng cả năm với sản lượng và giá trị tăng cao. Trong đó, Hàn Quốc, Nhật Bản là thị trường chuộng nha đam và thạch dừa Việt", ông Thứ nói.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà - Giám đốc điều hành Công ty cổ phần chế biến thực phẩm xuất khẩu miền Tây Westfood - cũng cho biết sản lượng bán hàng trong 2 tháng đầu năm tăng gần 50% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, thị trường châu Âu, Mỹ, Australia, New Zealand đều tăng mạnh. Điều này cho thấy tiềm năng và sự ưa chuộng rau quả chế biến ngày càng cao.

Nhà máy chế biến nha đam tại Ninh Thuận của GC Food. Ảnh: Linh Đan

Theo bà Hà, nhu cầu ăn uống của người dân trên thế giới đang nghiêng về hàng chế biến. Tại thị trường Mỹ, các sản phẩm đóng lon của doanh nghiệp bà đang có tốc độ tăng nhanh nhất, gấp gần 7 lần so với cùng kỳ 2023. Với châu Âu - thị trường có nhiều hàng rào kỹ thuật - cũng đã tăng trưởng trên 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tương tự, Vinamit - doanh nghiệp chiếm thị phần lớn về trái cây sấy sang Trung Quốc - cũng có đơn hàng đều đặn. CEO Vinamit Nguyễn Lâm Viên cho biết chuối, mít sấy, sầu riêng đông lạnh... sẽ là những sản phẩm bùng nổ trong năm nay.

Các doanh nghiệp cho rằng Việt Nam đang có khá nhiều thuận lợi khi nguồn cung dồi dào, giá thành sản xuất cạnh tranh. Trong khi đó, El Nino trên thế giới đang khiến mùa vụ thu hoạch của các đối thủ như Thái Lan, Peru, Ecuador bị trì hoãn và bị ảnh hưởng lớn về sản lượng cung cấp. Đặc biệt, tại thị trường Trung Quốc, Việt Nam có nhiều ưu thế về thời gian giao hàng nhanh, chi phí vận chuyển thấp...

Số liệu từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết từ 2022 đến nay, xuất khẩu rau quả chế biến luôn đạt trên 1 tỷ USD. Riêng năm 2023, xuất khẩu mặt hàng này đạt gần 1,3 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước đó.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, đánh giá rau quả chế biến chính thức tham gia vào "câu lạc bộ" tỷ USD của ngành nông nghiệp. Dự kiến, xuất khẩu ngành này năm nay có thể đạt gần 1,6 tỷ USD.

"Hiện Trung Quốc đã cho phép Việt Nam xuất sầu riêng đông lạnh sang thị trường này, do đó kim ngạch rau quả chế biến có thể lên tới 2 tỷ USD", ông dự báo.

Đồng quan điểm, ông Viên cho rằng khi Trung Quốc tiêu thụ nhiều rau quả chế biến của Việt Nam, giá nông sản sẽ ổn định và nông dân không lo "được mùa mất giá". Nguyên liệu chế biến cũng có thời gian bảo quản lâu hơn, giảm lãng phí và đổ bỏ.

Ngoài thị trường Trung Quốc, theo ông Nguyễn Văn Thứ, các thị trường mới đầy tiềm năng như Trung Á, Đông Âu, Ấn Độ cũng chuộng rau quả Việt khi sản phẩm chất lượng cao, ngon và có giá cạnh tranh.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, rau quả chế biến đang chiếm 24% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả. Hiện, quy mô thị trường trái cây và rau quả chế biến thế giới lớn, dự báo đạt khoảng 392 tỷ USD vào năm 2025. Với thuận lợi là quốc gia có nguồn cung dồi dào, Việt Nam sẽ có chỗ đứng trên thị trường quốc tế khi nhiều doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị bền vững.

Dẫu vậy, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cũng đối diện với nguy cơ nguồn cung nguyên liệu giảm. Những căng thẳng ở khu vực Biển Đỏ khiến giá cước tăng cao. Điển hình giá cước cho các chuyến hàng từ Việt Nam sang EU tăng 3-5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Các hãng tàu phải thay đổi lịch trình với thời gian kéo dài, một số tuyến vận tải phải dừng dẫn đến thiếu hụt, đẩy chi phí tăng cao.

Để tạo đà tăng trưởng, các doanh nghiệp cho biết đang mở rộng quy mô, tạo vùng nguyên liệu bền vững. Tại GC Food, năm nay, công ty đã đầu tư nâng cấp về dây chuyền sản xuất với công suất được nâng lên 25.000 tấn cho nhà máy Nha đam và 20.000 tấn cho nhà máy Thạch dừa. Với vùng nguyên liệu lá nha đam, doanh nghiệp vẫn đầu tư liên kết chặt chẽ với nông dân. Nguồn cung này sẽ đáp ứng được 30% tổng nhu cầu của công ty trong năm nay.

Với Vinamit, doanh nghiệp này ngoài tạo vùng nguyên liệu riêng, còn liên kết với hàng nghìn nông dân để tạo chuỗi giá trị.

Trong khi đó, Westfood cho biết chủ động triển khai phát triển vườn ươm và vùng nguyên liệu dự kiến đạt 1.000 ha tại Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tập trung chủ yếu vào khóm MD2, xoài, đu đủ...

Thi Hà