Nhiều NHTW châu Á không theo chân Fed
Tỷ giá USD lập đỉnh mới dưới tác động của Fed và quan hệ Trung - Mỹ |
Fed đã thực hiện tăng lãi suất lần thứ 2 trong năm nay và là lần tăng thứ 7 kể từ khi bắt đầu chu kỳ thắt chặt lại tiền tệ của mình vào cuối năm 2015. Chưa dừng lại ở đó, Fed dự kiến sẽ tăng tiếp lãi suất thêm 2 lần nữa trong năm nay và 3 lần trong năm 2019 và sẽ tăng tiếp trong năm 2020 để đưa lãi suất cho vay ngắn hạn lên mức 3,4% vào cuối năm 2020.
Đồng Rupee của Ấn Độ giảm giá tới 7% so với USD kể từ đầu năm buộc NHTW nước này phải tăng lãi suất lần đầu tiên trong vòng 4 năm |
Việc Fed đẩy nhanh tốc độ thắt chặt tiền tệ đã đẩy tăng lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ, khiến các nhà đầu tư rút khỏi tài sản của các thị trường mới nổi có mức độ rủi ro cao hơn, gây ra sự sụt giảm giá mạnh của các đồng tiền mới nổi.
Argentina, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ là những nước chịu tác động mạnh nhất và tại châu Á, Ngân hàng Trung ương nhiều nước như Ấn Độ, Indonesia và Philippines đã phải tăng lãi suất và can thiệp để bảo vệ đồng nội tệ của mình.
Theo đó, đồng peso của Philippines đã giảm gần 7% so với mức cao nhất của tháng 1 và hiện đang giao dịch ở mức thấp nhất trong 12 năm qua. Đồng rupee của Ấn Độ cũng đã giảm với mức độ tương tự và hiện đang giao dịch gần mức thấp kỷ lục, trong khi đồng rupiah của Indonesia giảm khoảng 5% cho dù Ngân hàng Trung ương nước này đã thực hiện tăng lãi suất 2 lần và mạnh tay mua vào để chặn lại đà rơi của đồng nội tệ.
Theo các chuyên gia kinh tế, “mẫu số chung” của các nước này chính là họ đang bị thâm hụt tài khoản vãng lai lớn.
Trong khi đó, tại các nền kinh tế có tài khoản vãng lai thặng dư lớn như Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan, thậm chí là ở mức độ thấp hơn như Malaysia, Ngân hàng Trung ương của họ cũng không bị bắt buộc phải theo kịp với đà tăng lãi suất của Fed.
Quả vậy, đồng won Hàn Quốc, đồng baht và đồng đôla Đài Loan chỉ giảm khoảng 3% so với mức cao nhất trong nhiều năm thiết lập hồi tháng 1 dù Ngân hàng Trung ương của họ vẫn giữ lãi suất ổn định ở mức thấp kỷ lục.
“Tôi không thấy những nền kinh tế này bị buộc phải hành động theo Fed vì một số nền kinh tế có thặng dư lớn đến nỗi họ có thể vui mừng khi thấy đồng tiền của mình yếu hơn và dòng vốn chảy ra, trong chừng mực nào đó”, Frederic Neumann - đồng chủ tịch khối nghiên cứu kinh tế châu Á tại HSBC nói.
Đồng tiền yếu hơn có thể giúp đẩy tăng lạm phát vốn đang dưới mức mục tiêu của các Ngân hàng Trung ương của những nền kinh tế này; đồng thời cũng tiếp thêm sức cho các nhà xuất khẩu của họ trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang tiềm ẩn nhiều bất ổn vì chủ nghĩa bảo hộ và có dấu hiệu cho thấy kinh tế Trung Quốc có thể chậm lại.
Các cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương Thái Lan và Đài Loan diễn ra vào tuần này có khả năng sẽ củng cố cho triển vọng đó, với hầu hết các nhà kinh tế dự báo chỉ có một lần tăng lãi suất duy nhất ở Thái Lan, Đài Loan và Hàn Quốc trong 18 tháng tới, so với 5 hoặc 6 lần tăng lãi của Fed.
Một trong những lý do khiến các nền kinh tế thặng dư vãng lai chịu áp lực ít hơn đó là do vị thế nắm giữ của các nhà đầu tư nước ngoài.
Ở các nước thâm hụt, các nhà đầu tư có xu hướng sở hữu các trái phiếu ngắn hạn, có tính thanh khoản và ít rủi ro hơn các khoản nợ dài hạn. Trong khi ở các nước có thặng dư, nhà đầu tư yên tâm hơn với việc nắm giữ chứng khoán dài hạn.
Kể từ khi Fed bắt đầu tăng lãi suất 3 năm trước đây, chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu ngắn hạn của Ấn Độ và Indonesia so với trái phiếu có kỳ hạn tương đương của Mỹ đã giảm khoảng 200 điểm cơ bản. Tại Philippines, mức chênh lệch đã giảm gần bằng mức giảm của đồng peso trong 12 tháng qua.
Mức chênh lệch lợi suất cũng giảm khoảng 200 điểm ở Hàn Quốc, Thái Lan và Đài Loan và thậm chí còn âm. Tuy nhiên, ưu tiên lớn hơn của các nhà đầu tư đối với các khoản nợ dài hạn đã giúp hạn chế áp lực giảm giá đồng tiền của các nền kinh tế này.
Một lý do khác khiến các ngân hàng trung ương tại các nền kinh tế có thặng dư lớn không phải theo dõi Fed là sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc kinh tế lớn, có nghĩa là châu Á ngày càng ít đồng bộ với chu kỳ kinh tế của Mỹ hơn so với thời điểm trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Sự sụp đổ của Lehman Brothers trong năm 2008 trùng hợp với thời điểm khi phát triển thương mại châu Á với Trung Quốc vượt qua thương mại với Mỹ. Vì vậy sự chậm lại của kinh tế Trung Quốc có thể có tác động nhiều hơn đến triển vọng lãi suất ở châu Á so với chu kỳ kinh tế cao của Mỹ.
“Các nền kinh tế châu Á - sự đồng bộ của họ với nền kinh tế Mỹ đã suy yếu vì Trung Quốc”, Tan Hui - Giám đốc chiến lược thị trường châu Á của J.P.Morgan Asset Management cho biết. Vì thế, “thật không dễ để thấy nhiều Ngân hàng Trung ương châu Á theo sau Fed”.
Xem thêm |