Nhiều nhà máy thép Trung Quốc phải dừng hoạt động vì biên lợi nhuận âm
Thị trường thép Trung Quốc đang trong trạng thái sản lượng thấp và nhu cầu yếu. “Việc giảm sản lượng chỉ là tạm thời và các nhà máy sẽ bước vào giai đoạn bảo trì. Khi biên lợi nhuận phục hồi, tốc độ tăng sản lượng sẽ rất nhanh và mạnh”, một nhà máy thép phía Bắc cho biết.
Biên lợi nhuận thép cây nội địa Trung Quốc bắt đầu chạm xuống mức âm kể từ ngày 13/6. Đỉnh điểm hôm 5/7, biên lợi nhuận âm tới 40,57 USD/tấn. Tuy nhiên, hiện tại, biên lợi nhuận cải thiện hơn nhưng vẫn ở mức âm 21,39 USD/tấn.
“Nhu cầu thép cuộn cán nóng (HRC) đang yếu hơn so với thép thanh. Một số nhà máy dành phần quặng sắt lẽ ra để làm thép HRC để chuyển sang sản xuất thép thanh”, đại diện một nhà máy thép tỉnh Sơn Đông cho biết.
Mặc dù vậy giá thép giao ngay vẫn đang trong xu hướng giảm. Tính đến ngày 27/7, giá thép thanh giao ngay giảm 206 nhân dân tệ/ tấn so với ngày 6/7 xuống 4010 nhân dân tệ/tấn (tương đương 592 USD/tấn).
8 trong số 18 nhà máy được khảo sát cho biết họ đã giảm sản lượng thép bằng nhiều hình thức khác nhau như cho lò cao chạy không tải, giảm khối lượng sản xuất hoặc ngừng dây chuyền sản xuất. Trong số 8 nhà máy này có một nhà máy ở khu vực Đông Bắc Trung Quốc đang trong giai đoạn bảo trì định kỳ theo kế hoạch hàng năm.
Một nhà máy ở Giang Tô, miền Đông Trung Quốc, cho biết họ tiếp tục giảm sản lượng thép cây, thép cuộn và HRC do lợi nhuận thấp. Nguồn tin từ nhà máy tiết lộ nhà máy có thể không tăng sản lượng trừ khi tỷ suất lợi nhuận chuyển sang dương.
Ngoài ra, 5 nhà máy khác đều thuộc diện cắt giảm sản lượng ngoài kế hoạch. Một nhà máy ở miền Bắc Trung Quốc đang phải cắt giảm sản lượng do biên lợi nhuận âm. Một nhà máy khác cho biết họ đã dừng 3 lò cao nhỏ và 4 dây chuyền sản xuất HRC.
Một nhà máy ở miền Đông Trung Quốc nói sẽ cố gắng duy trì tất cả các dây chuyền sản xuất thép thành phẩm cho đến ngày 6/8. Hai nhà máy còn lại cắt giảm sản lượng do bảo trì nhà máy ngoài kế hoạch.
“Hầu hết nhà máy sẽ không chọn chủ động cắt giảm sản lượng thép thô. Họ lo ngại việc giảm sản lượng có thể ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của năm 2023” một nguồn tin chia sẻ với S&P Global Commodity Insights.
Hai nhà máy trong cuộc khảo sát của S&P Global cũng đang có kế hoạch dừng một số dây chuyền sản xuất thép thành phẩm hoặc chuyển sang sản xuất các sản phẩm khác nhau vào tháng 8. Một trong số 2 nhà máy này cho rằng kế hoạch giảm sản lượng sẽ ảnh hưởng đến khoảng 140.000 tấn thép thành phẩm trong tháng 8, bao gồm thép dẹt và thép cuộn.
Bắc Kinh đang ngại chi nhiều tiền để giải quyết rắc rối của lĩnh vực bất động sản, khiến ngành thép khó có thể phục hồi nhanh chóng.Ông Li Ganpo, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Hebei Jingye Steel Group, cảnh báo rằng khoảng thời gian khó khăn có thể kéo dài 5 năm, khiến 1/3 số nhà máy thép phá sản, theo trang Bloomberg.
Khủng hoảng địa ốc ở Trung Quốc đã lan rộng trong năm nay, kéo nhiều nhà phát bất động sản lẫn ngân hàng vào khó khăn và buộc Bắc Kinh phải buông bỏ bớt tham vọng tăng trưởng. Cuộc khủng hoảng đặt các nhà máy thép vào tình thế đặc biệt dễ bị tổn thương và tạo ra tác động xấu tới giá quặng sắt cũng như các nhà khai thác quặng.
Mặc dù vậy, một số nhà máy vẫn đang kỳ vọng vào kế hoạch giải cứu ngành bất động sản của Trung Quốc.
Theo Reuters, một báo cáo cho thấy Trung Quốc sẽ tung ra gói cứu trợ lên tới 300 tỷ nhân dân tệ cho các công ty phát triển bất động sản bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng nợ, tìm cách khôi phục niềm tin trong ngành.
Quy mô ban đầu của quỹ là 80 tỷ nhân dân tệ thông qua sự hỗ trợ từ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC).
Bên cạnh đó, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB) sẽ đóng góp 50 tỷ nhân dân tệ vào quỹ, nhưng lượng tiền sẽ tới từ cơ chế tái cho vay của PBoC. Nếu mô hình này có hiệu quả, các ngân hàng khác sẽ làm theo với mục tiêu huy động tới 200-300 tỷ nhân dân tệ.