|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhiều nhà máy pin mặt trời của Châu Âu đóng cửa vì hàng giá rẻ của Trung Quốc

20:00 | 08/02/2024
Chia sẻ
Quá trình chuyển đổi năng lượng xanh của Châu Âu gặp nhiều khó khăn hơn khi tấm pin năng lượng mặt trời giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc ồ ạt thâm nhập vào thị trường, ở mức cao kỷ lục, gây áp lực lên các nhà sản xuất nội địa.

 Trung khi đó, chính phủ và các công ty đang bất đồng quan điểm về cách ứng phó.

Châu Âu vừa có một năm bội thu về năng lượng xanh. Các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu đã lắp đặt công suất năng lượng mặt trời ở mức kỷ lục, nhiều hơn 40% so với năm 2022. Phần lớn các tấm pin và bộ phận liên quan được nhập khẩu từ Trung Quốc – có khi lên đến 95%, theo dữ liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế.

Tuy nhiên, các nhà sản xuất pin năng lượng mặt trời của Châu Âu không được hưởng lợi từ sự bùng nổ năng lượng xanh này. Họ đang chịu sức ép lớn từ hàng giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc và tình trạng dư cung. 

Nhiều nhà máy đã phải thông báo đóng cửa và ngành này đã cảnh báo một nửa công suất có thể mất đi trong vòng vài tuần nếu chính phủ không vào cuộc.

Các nhà hoạch định chính sách đang nỗ lực ứng phó nhưng vẫn chưa thống nhất được cách thức thực hiện.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã viết thư cho Ủy ban Châu Âu vào tháng 11/2023, bày tỏ lo ngại rằng cơ quan điều hành EU sắp áp đặt các hạn chế thương mại đối với nhập khẩu năng lượng mặt trời của Trung Quốc.

Bức thư viết: “Tôi nghe nói rằng Ủy ban Châu Âu có thể đang có ý định áp dụng các biện pháp tự vệ đối với việc nhập khẩu các mô-đun quang điện (PV) từ Trung Quốc. Tôi rất lo ngại về điều này”.

Ông Habeck cảnh báo việc hạn chế nhập khẩu từ Trung Quốc có thể ngăn chặn sự phát triển nhanh chóng của năng lượng xanh ở châu Âu và khiến 90% thị trường PV trở nên đắt đỏ hơn. Ông cho biết, điều này tiềm ẩn nguy cơ phá sản đối với các công ty lắp đặt tấm pin mặt trời sử dụng linh kiện nhập khẩu.

Kế hoạch hỗ trợ của Đức dành cho lĩnh vực này đã rơi vào tình trạng hỗn loạn do cuộc khủng hoảng ngân sách chính phủ.

Ở những nơi khác, Tây Ban Nha không loại trừ thuế quan đối với việc nhập khẩu vật liệu tấm pin mặt trời. Một quan chức chính phủ nói với Reuters rằng Hà Lan muốn áp dụng thuế nhập khẩu năng lượng mặt trời bằng thuế biên giới carbon của EU. Và Italy tuần trước đã công bố khoản đầu tư 90 triệu euro (97 triệu USD) vào một nhà máy sản xuất tấm pin mặt trời ở Sicily.

Cuộc chiến về giá

Trong bài phát biểu hôm thứ Hai về các vấn đề của ngành năng lượng mặt trời, Ủy viên Dịch vụ Tài chính EU Mairead McGuinness không đưa ra hỗ trợ mới. Bà chỉ ra các biện pháp của EU đang được tiến hành, bao gồm cả hoàn thiện luật, nhằm mục đích đẩy nhanh quá trình cấp phép cho sản xuất trong nước và mang lại lợi thế cho các sản phẩm được sản xuất tại EU, chẳng hạn như tấm nền, trong các cuộc đấu thầu công nghệ sạch trong tương lai.

Về các hạn chế thương mại, bà McGuinness tỏ ra thận trọng.

Bà nói: “Hiện chúng ta phần lớn dựa vào nhập khẩu để đạt các mục tiêu phát triển năng lượng mặt trời của EU, nên bất kỳ biện pháp nào cũng cần phải được cân nhắc kỹ càng”

Bản thân ngành công nghiệp điện mặt trời của Châu Âu cũng bị chia rẽ vì giải pháp. Các nhà sản xuất năng lượng mặt trời đã kêu gọi chính phủ vào cuộc để mua hết lượng mô-đun năng lượng mặt trời tồn kho để giảm bớt tình trạng dư cung. Và nếu điều này không thể thực hiện nhanh chóng thì mới xem xét các rào cản thương mại.

Nhưng ngành công nghiệp năng lượng xanh lại phản đối việc hạn chế nhập khẩu.

Ông Miguel Stilwell d'Andrade, Giám đốc điều hành của công ty điện lực Bồ Đào Nha EDP, nói: “Không thể giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong thời gian ngắn hoặc sẽ không xây dựng được dự án”.

Ông lưu ý rằng giá tấm pin mặt trời đã tăng ở Mỹ, nơi áp thuế đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Ông nói: “Điều này đang gây ra tác động lạm phát… giá tấm pin cao hơn gấp đôi so với giá ở châu Âu”.

Ngay cả các nhà sản xuất địa phương cũng cho rằng hy vọng về một ngành công nghiệp địa phương có tính cạnh tranh là rất mờ nhạt.

Ông Gunter Erfurt, Giám đốc điều hành của nhà sản xuất bảng điều khiển Thụy Sĩ Meyer Burger, cho biết Châu Âu đang trong một "cuộc chiến giá cả" với Trung Quốc. Công ty này có kế hoạch đóng cửa nhà máy sản xuất mô-đun năng lượng mặt trời đang thua lỗ ở Đức, với lý do Châu Âu không có các chính sách hỗ trợ.

Với việc một số công ty năng lượng mặt trời của Trung Quốc có thể bán với giá thậm chí thấp hơn chi phí sản xuất, Châu Âu đang cố gắng bắt kịp. Erfurt nói : “Ngành công nghiệp năng lượng mặt trời ở Trung Quốc đã được trợ cấp chiến lược hàng trăm tỷ USD trong nhiều năm”.

H.Mĩ