|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Nhiều ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất 0,2-0,3%/năm

20:38 | 11/07/2023
Chia sẻ
Cập nhật biểu lãi suất huy động ngày 11/7, đã có một số ngân hàng hạ tiếp lãi suất thêm 0,2-0,3%/năm đối với nhiều kỳ hạn.

Lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng tại Bac A Bank dao động từ 7,45-7,55%/năm. (Ảnh: Bnews).

Cụ thể, tại Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank), lãi suất tiền gửi tiết kiệm cao nhất giảm từ mức 7,9%/năm xuống còn 7,7%/năm khi khách hàng gửi tiền trên 1 tỷ đồng trong kỳ hạn từ 18-36 tháng.

Tương tự, lãi suất ngân hàng này áp dụng cho các kỳ hạn từ 13-15 tháng giảm từ 7,85%/năm xuống 7,65%/năm; kỳ hạn 12 tháng giảm từ 7,8%/năm xuống mức 7,5%/năm.

Các kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng tại Bac A Bank dao động từ 7,45-7,55%/năm thay vì mức 7,6-7,7%/năm như trước đó.

Còn với khách hàng gửi tiền dưới 1 tỷ đồng, Bac A Bank áp dụng lãi suất thấp hơn các mức trên 0,2%/năm.

Tương tự, lãi suất các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên tại Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) và Ngân hàng Thương mại TNHH Một thành viên Đại Dương (OceanBank) cũng vừa đồng loạt giảm 0,2%/năm.

Trong đó, MSB giảm lãi suất tiền gửi online kỳ hạn từ 6-11 tháng xuống mức 7,1%/năm, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên còn 7,2%/năm

Lãi suất huy động kỳ hạn từ 6 đến 11 tháng tại Oceanbank giảm xuống dao động từ 7-7,1%/năm với tiền gửi tại quầy và từ 7,1-7,2%/năm với tiền gửi online; kỳ hạn từ 12-15 tháng dao động từ 7,2-7,4%/năm với tiền gửi tại quầy và từ 7,3-7,5%/năm với kênh online.

Mức lãi suất cao nhất niêm yết tại Oceanbank hiện là 7,7%/năm với khách gửi tại quầy và 7,8%/năm khi gửi tiền online kỳ hạn từ 18 tháng trở lên. 

Hiện lãi suất tiết kiệm cao nhất trong toàn hệ thống là 7,9%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng tại Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoVietBank).

Còn tại 4 ngân hàng thương mại Nhà nước gồm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), lãi suất tiết kiệm cao nhất chỉ 6,3%/năm.

Trong vòng 6 tháng qua, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục có 4 đợt giảm lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn, kích cầu sản xuất, kinh doanh... Lãi suất huy động vì thế cũng liên tiếp hạ nhiệt so với giai đoạn "nóng" hồi cuối năm 2022 và đầu năm 2023.

Dù lãi suất liên tục giảm nhưng dòng tiền từ dân cư gửi vào ngân hàng vẫn giữ đà tăng trưởng. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 4/2023, tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng đạt 6,33 triệu tỷ đồng, tăng 7,96% so với cuối năm 2022. Đây là mức tăng cao nhất kể từ trước tới nay.

TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính - Học viện Tài chính nhận định Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục giảm lãi suất điều hành trong thời gian tới. Từ đó, tạo điều kiện giảm tiếp lãi suất huy động và cho vay, tuy nhiên sẽ có độ trễ.

Liên quan đến vấn đề tiếp cận vốn, tại Nghị quyết số 97/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2023 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay (phấn đấu giảm ít nhất khoảng từ 1,5 - 2%) nghiên cứu, thực hiện áp dụng đối với cả khoản vay mới và đang còn dư nợ.

Đồng thời, xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình thực tiễn (cả năm khoảng 13 - 15%, trường hợp thuận lợi thì có thể tăng cao hơn) và công bố ngay bằng biện pháp, hình thức phù hợp, hiệu quả chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại đến hết năm 2023, bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế; rà soát các điều kiện, tiêu chí cho vay để điều chỉnh phù hợp, thuận lợi hơn cho người vay, bảo đảm tăng khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, người dân.

Ngày 10/7, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các tổ chức tín dụng với mức giao toàn hệ thống khoảng 14%.

Theo Ngân hàng Nhà nước, việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng được thực hiện trên cơ sở đề nghị của tổ chức tín dụng, tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng tổ chức tín dụng, đảm bảo thanh khoản và an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng.

Lê Phương