|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Toàn cảnh ngân hàng 6 tháng đầu năm 2023: Lãi suất hạ nhiệt, VND vẫn chịu áp lực mất giá

11:06 | 10/07/2023
Chia sẻ
Bức tranh ngành ngân hàng trong 6 tháng đầu năm không có quá nhiều tích cực trong bối cảnh nền kinh tế nói chung đang gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên vẫn có những điểm sáng cho thấy triển vọng những tháng cuối năm đang dần khả quan hơn.

Tăng trưởng tín dụng chậm khi nhu cầu giảm

Nửa đầu năm, vấn đề được thị trường nhắc đến nhiều nhất là tín dụng tăng trưởng rất chậm, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến cuối tháng 6/2023, dư nợ nền kinh tế đạt hơn 12,4 triệu tỷ đồng, tăng 4,73% so 2022 trong khi cùng kỳ năm trước tăng hơn 8,5%.

Tín dụng tăng trưởng chậm do nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, thị trường bất động sản (BĐS) suy yếu, hoạt động sản xuất giảm tốc do sự suy yếu từ các thị trường xuất khẩu chính cũng như lãi suất ở mặt bằng cao làm giảm nhu cầu tín dụng.

Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm tăng rất chậm. (Nguồn: BVSC).

BVSC kỳ vọng mức tăng trưởng tín dụng toàn ngành sẽ vào khoảng 13% trong năm 2023. (Nguồn: BVSC).

Mặt bằng lãi suất huy động đang giảm khá nhanh và kỳ vọng sẽ tác động làm giảm dần lãi suất cho vay cùng với đó là nền kinh tế có thể phục hồi tốt hơn trong nửa cuối năm 2023. Nhiều công ty chứng khoán dự báo mức tăng trưởng tín dụng của năm 2023 sẽ thấp hơn năm trước, dao động từ 11% - 12,5%, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) lạc quan hơn với mức kỳ vọng là 13%.

Lãi suất ngân hàng hạ nhiệt nhanh chóng

Kể từ đầu năm, NHNN đã thực hiện 4 lần liên tiếp giảm lãi suất điều hành khiếnlãi suất huy động đã giảm nhanh từ mức đỉnh của đầu năm 2023. 

Lãi suất tiền gửi bình quân của các ngân hàng thương mại đã giảm khoảng 0,7%/năm so với cuối năm 2022, hiện ở mức 5,8%/năm; lãi suất cho vay bình quân VND giảm khoảng 1%/năm ở mức khoảng 8,9%/năm.

Lãi suất huy động của các ngân hàng hạ nhiệt nhanh chóng cùng với việc tăng trưởng tín dụng chậm lại làm cho nhu cầu huy động cũng chậm lại khi mà các ngân hàng đã tăng trưởng huy động cao trong quý IV/2022.

"Với định hướng của NHNN là giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế cũng như nhu cầu tín dụng tăng trưởng chậm thì lãi suất huy động có thể giảm thêm trong nửa cuối năm, tuy nhiên tốc độ giảm lãi suất sẽ chậm lại", BVSC nhận định.

 

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cũng cho thấy chênh lệch giữa tín dụng và huy động vốn đã thu hẹp đáng kể về chỉ còn vào khoảng 92.000 tỷ, từ mức gần 300.000 tỷ vào cuối tháng 4.

Trên thị trường liên ngân hàng, thanh khoản không gặp nhiều áp lực, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm thậm chí đã giảm về 0,39%, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021 (trước dịch COVID-19). Tính đến cuối tháng 6, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn dao động từ 0,7% - 3,1%, giảm hơn 4 điểm % so với cuối năm 2022.

Nguồn: HSC.

NIM thu hẹp dần, tỷ lệ CASA giảm

Lãi suất huy động tăng nhanh từ quý IV/2022 làm cho chi phí vốn tăng nhanh trong khi lãi suất cho vay điều chỉnh chậm hơn (3-6 tháng một lần) dẫn tới chi phí vốn tăng nhanh hơn lãi suất sinh lợi làm giảm NIM của các ngân hàng trong quý I.

Việc giảm lãi suất điều hành 4 lần trong nửa đầu năm sẽ giúp cho các ngân hàng ổn định trở lại và có thể tăng nhẹ trở lại trong nửa cuối năm 2023.

 NIM các ngân hàng giảm do chi phí vốn tăng cao. (Nguồn: BVSC).

Mặt bằng lãi suất cao trong quý IV/2022 cũng khiến chongười dân cũng như doanh nghiệp tăng quản lý dòng tiền chặt chẽ hơn cũng như gia tăng sử dụng nguồn tiền sẵn có để hạn chế vay vốn. Từ đó, tỷ lệ CASA các ngân hàng đã suy giảm, đặc biệt giảm mạnh trong quý I/2023. Techcombank đã đánh mất vị trí quán quân CASA và MB vươn lên dẫn đầu.

Theo nhận định của các chuyên gia phân tích của BVSC, trong ngắn hạn, tỷ lệ CASA đang chịu áp lực tuy nhiên khi lãi suất giảm nhiều hơn thì áp lực suy giảm CASA sẽ giảm dần. Bên cạnh đó tốc độ chuyển đổi số của các ngân hàng đang diễn ra mạnh mẽ cũng như sự thúc đẩy không sử dụng tiền mặt từ Chính phủ và NHNN thì CASA sẽ gia tăng trở lại trong dài hạn.

 CASA các ngân hàng niêm yết đang giảm dần. (Ảnh: BVSC).

VND vẫn tiếp tục chịu áp lực mất giá

Trong 6 tháng đầu năm, tiền đồng (VND) ổn định trong bối cảnh NHNN liên tục cắt giảm lãi suất điều hành. Tỷ giá USD/VND tương đối ổn định và bật tăng trong giai đoạn cuối quý II.

Tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng đã nhích dần lên trong tháng 5/2023 (tăng 0,13% so với tháng 4) và riêng trong tháng 6 tăng 0,4% so với cuối tháng 5. Trên thị trường phi chính thức, tỷ giá tự do đã tăng 0,8% trong tháng 6. 

Các chuyên gia phân tích cho rằng VND sẽ tiếp tục chịu áp lực mất giá trong nửa cuối năm 2023 do chênh lệch lãi suất USD - VND đang tiếp tục nới rộng.Số liệu từ VDSC cho biết chênh lệch lãi suất USD-VND trên thị trường liên ngân hàng đang ở mức cao kỷ lục, cao nhất là 4,4 điểm % đối với lãi suất qua đêm và thấp nhất là 0,6 điểm % đối với lãi suất kỳ hạn 3 tháng

Áp lực đối với VND vẫn còn khi Fed kỳ vọng tiếp tục tăng lãi suất và áp lực mang tính mùa vụ đến từ việc chuyển lợi nhuận về nước của các DN FDI. Điểm tích cực đến từ dòng vốn FDI giải ngân duy trì khá tốt (đạt 10 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm – tương đương với cùng kỳ) hay cán cân thương mại thăng dư lớn (ước tính hơn 12 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm) do nhập khẩu giảm.

 

Hiện các ngân hàng chưa công bố kết quả kinh doanh và báo cáo tài chính quý II, do đó chưa có số liệu về lợi nhuận và biến động nợ xấu của các ngân hàng.

Tuy nhiên, theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh được NHNN thực hiện mới đây, các TCTD cho biết tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng trong quý II tiếp tục ”cải thiện” chậm hơn đáng kể so với quý trước, lợi nhuận trước thuế có tăng trưởng nhẹ nhưng thấp hơn so với mức kỳ vọng ở kỳ điều tra trước.

Theo đánh giá của các TCTD, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng có biểu hiện “tăng nhẹ” trong quý II/2023 nhưng được kỳ vọng giảm trong quý III/2023.

Các TCTD dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng diễn biến khả quan trong quý III/2023 nhưng “tăng” với tốc độ chậm lại trong năm 2023 so với năm 2022. 

Huy động vốn toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng bình quân 3,2% trong quý III/2023 và tăng 10,6% trong năm 2023. Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được kỳ vọng tăng 4,4% trong quý III/2023 và tăng 12,5% trong năm 2023.

Diệp Bình