Nhiều ngân hàng hạ lãi suất vay mua nhà đầu năm
Ghi nhận của VnExpress cho thấy lãi suất cho vay mua nhà tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV hiện xuống quanh 6,5% mỗi năm và Ngân hàng Công Thương - VietinBank ở mức 6,4% một năm, áp dụng trong thời gian đầu được ưu đãi lãi suất.
Vietcombank cũng đưa lãi suất vay mua nhà xuống 6,7% mỗi năm, được cố định trong 18 tháng đầu tiên. Nếu cố định trong hai năm sẽ là 6,8% mỗi năm. Hết thời gian ưu đãi, lãi suất cho vay sẽ thả nổi được tính bằng lãi suất tiết kiệm 12 tháng cộng với biên độ 3,5%.
Agribank đang có mức lãi suất vay cao nhất trong nhóm ngân hàng quốc doanh, với mức 7% mỗi năm áp dụng cho thời gian ưu đãi 12 - 24 tháng, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1 năm nay.
Mức lãi suất cho vay của các ngân hàng Big4 này đều giảm 1 - 1,5% so với cuối năm ngoái, còn nếu so với cùng kỳ 2023, mức lãi vay hiện thấp hơn 2 - 3%.
Với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, hiện mức lãi suất cho vay mua nhà dao động 5,9 - 10,5% một năm. Trong đó, lãi suất ưu đãi tốt nhất cho các khoản vay mua nhà phát sinh mới đang thuộc về VPBank với 5,9% cho 6 tháng đầu năm. Hết thời gian ưu đãi, lãi suất thả nổi được nhà băng này tính bằng lãi suất tham chiếu cộng thêm biên độ 3% mỗi năm.
Các ngân hàng khác như HDBank, Sacombank, MSB, ACB, OCB... cũng có mức lãi suất ưu đãi năm đầu tiên cho khách hàng vay mua nhà là 6,5-8% một năm.
Các ngân hàng nước ngoài cũng tích cực tham gia vào cuộc đua hạ lãi suất vay mua nhà. Theo đó, UOB, Wooribank hiện áp lãi suất vay là 6% trong 12 tháng đầu tiên. Nếu người mua nhà chọn gói vay với lãi suất cố định hai năm đầu là 8% hoặc lãi suất cố định 3 năm đầu là 8,7% mỗi năm. Hết ưu đãi, lãi suất thả nổi của các ngân hàng này dự kiến quanh 8,6 - 8,9% một năm. Shinhan Việt Nam cũng đưa mức lãi suất cho vay mua nhà về 5,9% cho 6 tháng đầu tiên và 8% cho 54 tháng tiếp.
Trong buổi họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2024 mới đây, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng lãi suất huy động và cho vay mới của các ngân hàng thương mại đã giảm khoảng hơn 2% mỗi năm so với cuối năm 2022. "Lãi suất cho vay đang thấp nhất 20 năm qua và nhiều ngân hàng thương mại cho biết lãi suất không thể thấp hơn nữa", ông nói.
Nhìn nhận động thái hạ lãi suất cho vay này, Giám đốc khối cho vay bán lẻ của một nhà băng 100% vốn nước ngoài đánh giá, bước quan trọng nhất để giảm mạnh lãi suất là mặt bằng chi phí vốn của các ngân hàng được giảm đáng kể khi các khoản huy động lãi cao từ năm ngoái đến thời điểm đáo hạn. Việc giảm lãi suất đầu vào "ngấm" vào chi phí vốn của các nhà băng, tạo điều kiện cho việc giảm lãi suất đầu ra.
Một động lực quan trọng khác khiến làn sóng hạ lãi suất cho vay diễn ra mạnh hơn, theo ông là các ngân hàng đang giảm giá vốn để kích cầu tín dụng trong bối cảnh "ý chí cũng như năng lực vay" của khách hàng suy giảm. Chính sách "được vay mới để trả nợ cũ ngân hàng khác" cũng khiến một lượng khách hàng dịch chuyển qua lại từ ngân hàng này sang ngân hàng khác, tạo ra áp lực cạnh tranh lớn hơn cho giới nhà băng.
Các chuyên gia cho rằng còn những khoản lãi suất cao là của những kỳ hạn trước đây khi họ huy động cao. Còn hiện tại và sắp tới, lãi suất đều trong xu hướng thấp. Ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã giao hết hạn mức tín dụng (room tín dụng) cho các nhà băng với mức trần tăng trưởng 15%, tương đương khoảng 2 triệu tỷ đồng bơm vào nền kinh tế (nhiều hơn năm ngoái khoảng trăm nghìn tỷ đồng). Đây là một con số rất lớn nên cơ quan quản lý sẽ có nhiều động thái để "động viên" ngân hàng cho vay nhiều hơn.
Riêng với lĩnh vực cho vay mua bất động sản, theo quan sát của lãnh đạo nhà băng 100% vốn nước ngoài trên, nhu cầu vay vẫn chưa thực sự "ấm" lên so với trước, nếu loại bỏ lượng khách hàng chuyển dịch qua lại giữa các nhà băng.
"Vay ngân hàng để lướt sóng hay đầu tư bất động sản trở nên rất rủi ro trong bối cảnh hiện tại khiến động lực người kinh doanh bất động sản suy giảm. Do đó, lượng khách hàng vay mục đích đầu tư bất động sản giảm mạnh trong khi đa phần người đi vay hiện tại xuất phát từ nhu cầu ở thực. Đây là một tín hiệu tốt", lãnh đạo ngân hàng nước ngoài nói.