Nhiều hộ nuôi tôm sú ở Trà Vinh không tái vụ
Ông Võ Văn An, xã Hiệp Mỹ Tây, huyện Cầu Ngang cho biết, gia đình có 2 ao nuôi tôm công nghệ cao, diện tích 1,5 ha. Từ giữa tháng 8/2023, ông thu hoạch vụ tôm thẻ chân trắng rồi treo ao không tái vụ. Nguyên nhân do nước ở các tuyến kênh không có độ mặn và kéo dài cho đến nay. Cùng với đó, giá tôm thẻ chân trắng thương phẩm giảm bình quân từ 10.000-20.000 đồng/kg so cùng kỳ năm 2022. Vì vậy, ông dự tính đến cuối năm, khi môi trường nước ổn định, độ mặn thích hợp mới thả nuôi vụ tôm mới năm 2024.
Ông Nguyễn Văn Đời, xã Hiệp Mỹ Đông, huyện Cầu Ngang cho biết, năm nay giá tôm giảm thấp, nếu nuôi thành công trọn vụ thì người nuôi còn có lãi chút ít, nếu nuôi giữa vụ xảy ra dịch bệnh phải thu hoạch thì thua lỗ nặng. Vì vậy, gia đình ông không tái vụ nuôi tôm sú hay tôm thẻ chân trắng từ tháng 8/2023, mà chuyển sang nuôi tôm càng xanh, do nguồn nước ở kênh, trong ao nuôi hiện đang ở mức 0‰.
Trước tình hình thời tiết, môi trường không thuận lợi, giá tôm chưa đảm bảo có lợi nhuận, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến khích nông dân tận dụng ao hồ chuyển đổi sang nuôi các loại thủy sản khác như: cá, tôm càng xanh, cua biển để bù đắp thu nhập.
Đối với những hộ không đủ điều kiện chuyển đổi con nuôi, Phòng nông nghiệp và Phát triển nôn thôn các huyện vùng ven biển cùng chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động tập trung cải tạo ao hồ, theo dõi chặt môi trường nước khi thích hợp sẽ tiến hành thả tôm giống nuôi cho mùa vụ năm 2023 – 2024 theo lịch công bố của ngành nông nghiệp tỉnh.
Theo báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, đến cuối tháng 10/2023, toàn tỉnh có hơn 38.220 lượt hộ thả nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, với số lượng hơn 6,65 tỷ con giống, trên diện tích hơn 31.130 ha, ít hơn 270 ha so năm 2022. Tổng sản lượng tôm nuôi đã thu hoạch trong 10 tháng vừa qua đạt hơn 87.190 tấn. Tỷ lệ hộ nuôi tôm hòa vốn, chiếm 16% lượt hộ và hơn 14% lượt hộ lỗ vốn.