|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhiều doanh nghiệp và trang trại gia cầm đứng bên bờ vực phá sản vì COVID-19

09:41 | 04/06/2021
Chia sẻ
Do chịu áp lực kép về dịch bệnh COVID-19 và giá thức ăn tăng cao, 45 - 50% trang trại gia cầm lớn treo chuồng và 70 - 75% gia trại và số hộ chăn nuôi tạm ngừng tái đàn. Nhiều doanh nghiệp và trang trại gia cầm đang đứng bên bờ vực phá sản.

Cuộc khủng hoảng chưa từng có

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA), ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chưa từng có. Từ cuối năm 2020 đến nay, việc tiêu thụ gia cầm và sản phẩm từ gia cầm như gà thịt, con giống, trứng rất khó khăn và luôn ở mức thấp.

Hiện nay, tổng đàn gà đẻ loại và gà thịt lông màu đến tuổi cần bán, nhưng chưa bán được trên cả nước ước khoảng 20 - 30 triệu con. Tại huyện Yên Thế (Bắc Giang), một trong những vùng nuôi gà lớn tại miền Bắc, tổng đàn gà thịt thả đồi khoảng 300-350 nghìn con, 2,3 triệu con cần tiêu thụ nhưng tiêu thụ chậm.

Giá các loại gia cầm trong tháng 5 tiếp tục giảm do ảnh hưởng của dịch COVID-19. So với tháng 1, gà thịt lông màu được bán với giá 45.000 - 55.000 đồng/kg tùy loại, giảm 5.000-10.000 đồng. Gà lông trắng có giá 24.000 - 25.000 đồng/kg, giảm 4.000-5.000 đồng/kg. Giá vịt thịt được bán 32.000 - 35.000 đồng/kg, giảm 5.000-10.000 đồng so với đầu tháng 1.

Trao đổi với người viết, ông Hoàng Văn Dư, Chi cục phó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Giang, cho biết tiêu thụ gia cầm khó khăn do dịch COVID-19 khiến các nhà hàng, bếp ăn, trường học tạm ngừng hoạt động, thương lái các tỉnh lân cận không vào thu mua được.

"Trong bối cảnh giá thức ăn và chi phí vận chuyển tăng cao, giá bán gà đặc sản Yên Thế dao động ở mức 55.000 - 65.000/kg, người dân vẫn có lãi nhưng không nhiều. Còn đối với gà trắng hiện có giá 26.000 đồng/kg thì người dân chắc chắn lỗ", ông Dư nói.

Chăn nuôi gia cầm rơi vào khủng hoảng vì COVID-19 - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ: VOV.

Cùng với việc tiêu thụ gà thịt gặp khó khăn, thì tiêu thụ trứng cũng cũng tình cảnh tương tự. So với tháng 1, trứng gà chỉ còn 1.200 - 1.400 đồng/quả, giảm 300-400 đồng/quả, trứng vịt 1.700 - 1.800 đồng/quả, giảm 400-600 đồng/quả.

Theo ước tính của VIPA, tổng sản lượng trứng bình quân mỗi ngày trên cả nước ước đạt 41- 42 triệu quả trứng, trong khi mức tiêu thụ tối đa hiện nay khoảng 39 - 40 triệu quả/ngày. Vì vậy, một số doanh nghiệp sản xuất và cung ứng trứng cho các siêu thị, hàng tuần đã phải thu hồi trứng quá hạn bảo quản do không tiêu thụ được. 

Giá bán thấp và tiêu thụ chậm khiến người chăn nuôi mất thêm chi phí nuôi gia cầm quá lứa và hao hụt sản phẩm. 

"Với giá bán sản phẩm nêu trên người sản xuất đang bị thua lỗ nặng", ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch VIPA chia sẻ trong Hội nghị Tháo gỡ vướng mắc kỹ thuật thúc đẩy tiêu thụ nông sản ngày 3/6.

Theo ông Sơn, dịch COVID-19 khiến ngành chăn nuôi gia cầm điêu đứng do chi phí kiểm dịch, chi phí logistics tăng 2-3 lần, chi phí thức ăn chăn nuôi tăng 20 - 30% so với cùng kỳ… Trong khi, tiềm lực của doanh nghiệp vừa và nhỏ còn hạn chế, khó tiếp cận với các nguồn vốn vay. 

Bên cạnh đó, sản xuất gia cầm trong nước đang phải cạnh tranh với thịt gà đông lạnh nhập khẩu giá rẻ, gây bất lợi cho người chăn nuôi.

Nhiều doanh nghiệp và trang trại gia cầm đang đứng bên bờ vực phá sản

Theo tính toán của VIPA, tổng đàn gia cầm cả nước từ gần 513 triệu con vào cuối năm 2020 đã giảm xuống còn gần 327 triệu con trong tháng 5, tương đương giảm 36%. 

Trong đó, tổng đàn gà từ gần 410 triệu con xuống còn khoảng 266 triệu con, giảm 35%. Tổng đàn vịt giảm từ gần 87 triệu xuống còn 61 triệu con, giảm 30%. Sản lượng trứng từ gần 17 tỷ quả giảm xuống còn gần 13,5 tỷ quả, giảm 20%.

Ông Sơn cho biết: "Do chịu áp lực kép về dịch bệnh COVID-19 và giá thức ăn tăng cao, hậu quả là đến thời điểm này có khoảng 45 - 50% trang trại gia cầm lớn treo chuồng và khoảng 70 - 75% gia trại và số hộ chăn nuôi tạm ngừng tái đàn. Nhiều doanh nghiệp và trang trại gia cầm đang đứng bên bờ vực phá sản".

Chuyên gia VIPA cảnh báo nếu tình trạng này còn kéo dài thì nguy cơ trong quý IV năm nay sẽ thiếu hụt nguồn cung trong nước về sản phẩm gia cầm, kéo theo hậu quả là thịt gà đông lạnh sẽ có nguy cơ chiếm lĩnh thị trường.

Để đưa ngành chăn nuôi gia cầm ra khỏi "cơn bĩ cực", VIPA kiến nghị Bộ NN&PTNT cấp "hộ chiếu vắc xin" cho chủ hàng, lái xe, cấp giấy chứng nhận an toàn ngay tại các cơ sở kinh doanh. Đồng thời, coi sản phẩm gia cầm là sản phẩm hàng hóa thiết yếu được ưu tiên vận chuyển, tiêu thụ trong phạm vi toàn quốc.

Bên cạnh đó, cần giảm 50% thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, giảm gánh nặng cho nông hộ.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Hoàng Anh