|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam

06:53 | 10/12/2020
Chia sẻ
Có tới 15 trong tổng số 30 doanh nghiệp nhận trợ cấp từ Chính phủ Nhật Bản để chuyển dịch cơ sở sản xuất sang Đông Nam Á đã lựa chọn Việt Nam làm điểm đến.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 9/12, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và Hội đồng Giao lưu Hữu nghị Quốc tế (FEC) đã phối hợp tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp lần thứ 60 ở thủ đô Tokyo, với sự tham gia của các lãnh đạo và quản lí của hơn 20 doanh nghiệp Nhật Bản.

Phát biểu tại diễn đàn, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam đã trình bày tóm tắt các nỗ lực hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới và một số thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian qua, nhất là việc Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Đại sứ nhấn mạnh với việc kiểm soát tốt dịch bệnh, nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng, từ đó đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Theo Đại sứ, sau khi làn sóng bùng phát thứ hai của dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, FDI vào Việt Nam đã liên tục gia tăng. 

Các số liệu thống kê mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy tính đến ngày 20/11, tổng vốn FDI vào Việt Nam lên tới 26,4 tỉ USD, trong đó vốn FDI từ Nhật Bản đạt trên 2,1 tỉ USD.

Đáng chú ý, có tới 15 trong tổng số 30 doanh nghiệp nhận trợ cấp từ Chính phủ Nhật Bản để chuyển dịch cơ sở sản xuất sang Đông Nam Á đã lựa chọn Việt Nam làm điểm đến. Điều đó cho thấy các nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng và nước ngoài nói chung có niềm tin rất lớn về triển vọng của nền kinh tế Việt Nam.

Trong lĩnh vực thương mại, Đại sứ Vũ Hồng Nam cho biết quan hệ thương mại giữa hai nước mang tính bổ trợ và công bằng. 

Bất chấp dịch COVID-19, giá trị trao đổi thương mại giữa hai nước trong giai đoạn từ tháng 1 - 11/2020 chỉ giảm nhẹ và đạt 35,9 tỉ USD. Trong đó, giá trị xuất khẩu từ Việt Nam sang Nhật Bản là 17,3 tỉ USD (giảm 6,5%) và Nhật Bản xuất khẩu sang Việt Nam đạt 18,6 tỉ USD (tăng 4,8%).

Nhân dịp này, Đại sứ cũng kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam, nhất là các lĩnh vực mà Chính phủ Việt Nam ưu tiên thu hút vốn đầu tư từ Nhật Bản như điện tử; chế biến nông, thủy sản; công nghệ môi trường và tiết kiệm năng lượng; máy và thiết bị nông nghiệp; đóng tàu; ô tô và phụ tùng ô tô.

Đại sứ nhấn mạnh: "Chính phủ Việt Nam chú trọng kiến tạo khuôn khổ pháp lí phù hợp với cơ chế thị trường, điều kiện của Việt Nam và tương thích với các cam kết hội nhập, thông lệ quốc tế, quyết tâm tạo dựng các yếu tố nền tảng của môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch và thuận lợi…, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô để thu hút vốn đầu tư nước ngoài nói chung và Nhật Bản nói riêng".

Về phần mình, ông Matsuzawa Ken, Chủ tịch FEC, bày tỏ hi vọng sự kiện này sẽ giúp các doanh nghiệp Nhật Bản hiểu hơn về môi trường kinh doanh và đầu tư ở Việt Nam, qua đó tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước.

Tại diễn đàn, Đại sứ Vũ Hồng Nam và đại diện Bộ Kế hoạch Đầu tư đã trả lời các câu hỏi của các doanh nghiệp Nhật Bản về chính sách ưu đãi của chính phủ Việt Nam dành cho nhà đầu tư nước ngoài, các biện pháp ổn định, phát triển kinh tế và cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam.

Võ Thị Hương Thủy