|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

ASEAN 2020: RCEP - Cú hích mới cho nền kinh tế Nhật Bản​

04:20 | 16/11/2020
Chia sẻ
Ngày 15/11, Nhật Bản đã tham gia kí kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) cùng 14 quốc gia khác vốn đang chiếm gần 50% tổng kim ngạch thương mại của nước này.

Sau khi hiệp định này có hiệu lực, Nhật Bản sẽ xóa bỏ 61% thuế đối với nông sản nhập khẩu từ các nước thành viên ASEAN, Australia và New Zealand, 56% từ Trung Quốc và 49% từ Hàn Quốc. Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn sẽ giữ nguyên thuế đối với 5 nhóm hàng gồm gạo, lúa mỳ, các sản phẩm sữa, đường, thịt lợn và thịt bò. Ở chiều ngược lại, các quốc gia khác sẽ cắt giảm 91,5% thuế đối với các hàng hóa công nghiệp nhập khẩu từ Nhật Bản.

Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Nhật Bản lần thứ 23 theo hình thức trực tuyến, ngày 12/11/2020. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN.

Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Nhật Bản lần thứ 23 theo hình thức trực tuyến, ngày 12/11/2020. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN.

Phát biểu sau lễ ký, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Hiroshi Kajiyama cho biết RCEP sẽ tạo ra các cơ hội mới cho các nhà sản xuất và người nông dân Nhật Bản, đồng thời "sẽ đóng góp lớn cho sự gia tăng kim ngạch xuất khẩu (của Nhật Bản) sang châu Á". Ông Hiroshi Kajiyama khẳng định Chính phủ Nhật Bản sẽ nỗ lực để nhanh chóng đưa RCEP đi vào hiệu lực.

Trước đó, trao đổi với phóng viên TTXVN tại Tokyo, Giáo sư Ryo Ikebe, một chuyên gia về thương mại quốc tế tại Đại học Senshu của Nhật Bản, cho rằng ở thời điểm hiện tại, RCEP mang ý nghĩa thúc đẩy hoạt động thương mại giữa ba nước Nhật Bản - Trung Quốc - Hàn Quốc. Bên cạnh đó, RCEP có thể sẽ tạo ra "cú hích mới" góp phần thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế đang trì trệ của Nhật Bản.

Trong khi đó, nhật báo Nikkei dẫn lời chuyên gia Cassey Lee, một thành viên cấp cao của Viện ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở ở Singapore, nhận định thương mại là một động lực tăng trưởng quan trọng đối với các nước thành viên RCEP. Trong bối cảnh sự phục hồi kinh tế sẽ diễn ra chậm chạp ở nhiều nước, thỏa thuận này sẽ mang lại cho các bên tham gia nhiều cơ hội thương mại và đầu tư hơn.

Theo giới phân tích, một nguyên nhân thúc đẩy Tokyo ký kết RCEP là hiệp định này góp phần củng cố vai trò và vị thế của Nhật Bản trên trường quốc tế với tư cách quốc gia đi đầu trong tự do hóa thương mại ở thời điểm chủ nghĩa bảo hộ đang trỗi dậy ở không ít quốc gia.

Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao RCEP, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide khẳng định Nhật Bản luôn đi đầu trong việc mở rộng khu vực kinh tế tự do và bình đẳng, và duy trì, củng cố hệ thống thương mại tự do đa phương này. Theo Thủ tướng Suga, việc thúc đẩy thương mại tự do càng trở nên quan trọng vào thời điểm khi nền kinh tế toàn cầu đang trì trệ và hướng nội do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Trong tuyên bố chung đưa ra sau cuộc họp, các nhà lãnh đạo 15 nước tham gia ký kết RCEP bày tỏ tin tưởng rằng "với tư cách thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới, RCEP là một bước tiến quan trọng hướng tới một khuôn khổ lý tưởng cho các quy tắc thương mại và đầu tư toàn cầu".

RCEP sẽ có hiệu lực sau khi có 6 quốc gia ASEAN cùng với 3 quốc gia trong số 5 quốc gia còn lại phê chuẩn.

Đào Thanh Tùng