|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nhiều doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn

21:44 | 23/02/2023
Chia sẻ
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang xin lùi thời hạn để thanh toán lãi, gốc trái phiếu, cũng có nhiều đơn vị chi nghìn tỷ đồng để mua lại trái phiếu trước hạn.

Thống kê của người viết trên chuyên trang trái phiếu của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) đã chi gần 1.004 tỷ đồng mua lại trái phiếu trước hạn trong thời gian 21/2 - 23/2. Đây là các lô trái phiếu được phát hành từ năm 2019 và 2020, kỳ hạn 7 năm, đáo hạn vào năm 2026 và 2027.

CTCP Đầu tư và Du lịch Vạn Hương (Vạn Hương Investoco, thành viên nhóm Geleximco) cũng vừa chi gần 1.500 tỷ đồng để mua lại toàn bộ lô trái phiếu DRGCH2123005 phát hành ngày 31/12/2021, kỳ hạn 24 tháng.

Theo đúng tiến trình, phải đến cuối năm 2023 doanh nghiệp mới phải tất toán lô trái phiếu trên nhưng Vạn Hương Investoco đã tiến hành mua lại vào ngày 18/1/2023, sớm hơn gần 1 năm so với ngày đáo hạn.

Giữa tháng 2/2023, CTCP Đầu tư Bất động sản Đông Dương, chủ đầu tư dự án Khu nhà ở cao cấp Vườn Xuân (tên thương mại là La Vida Residneces) cũng đã hoàn tất việc mua lại trước hạn 400 tỷ đồng trái phiếu.

Số trái phiếu này nằm trong 5 lô trái phiếu có tổng giá trị 1.200 tỷ đồng (đều có kỳ hạn 4 năm, lãi suất kỳ thanh toán đầu tiên là 12%/năm) mà Bất động sản Đông Dương đã phát hành cách đây 3 năm, từ ngày 10/3 đến ngày 17/3/2020.

Gần đây nhất, CTCP Tập đoàn Gelex (Mã: GEX) vừa công bố về việc mua lại 150 tỷ đồng trái phiếu trước hạn.

Cụ thể, Gelex đã chi 45,4 tỷ đồng để mua lại trái phiếu có mã BONDGEX/2020.01. Đây là lô trái phiếu có kỳ hạn 3 năm, đáo hạn vào ngày 22/7/2023 với khối lượng phát hành là 200 tỷ đồng, khối lượng còn lại là 11,7 tỷ đồng.

Cũng trong ngày 20/2, Gelex đã hoàn tất mua lại 104,9 tỷ đồng trái phiếu trước hạn của lô BONDGEX/2020.02. Đây là lô trái phiếu có kỳ hạn 3 năm, đáo hạn ngày 23/7/2023. Giá trị còn lại của trái phiếu mã này là 17,1 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo Gelex từng đề cập tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 là sẵn sàng tiến hành mua lại trái phiếu trước hạn để giảm nợ đối với khoản nợ trái phiếu khi đến hạn hoặc khi trái chủ có yêu cầu, góp phần lành mạnh hóa sức khỏe tài chính doanh nghiệp.

Theo thống kê của Fiinratings, lượng trái phiếu được mua lại trước hạn trong tháng 1/2023 đạt 8.900 tỷ đồng, giảm 81% so với tháng trước, tuy nhiên vẫn tăng 1,7 lần so với cùng kỳ năm 2022.

"Thông thường, lượng mua lại tăng vọt vào cuối các bán niên và giảm mạnh vào đầu năm. Xu hướng này phụ thuộc nhiều vào hoạt động hỗ trợ thanh khoản từ hệ thống tổ chức tín dụng, với quy mô mua lại lẻ tẻ quanh năm và tăng vọt vào tháng 6 và tháng 12 vì đây là hai thời điểm chốt báo cáo bán niên và báo cáo tài chính năm của các doanh nghiệp", nhóm phân tích cho hay.

Báo cáo thị trường trái phiếu gần nhất của Chứng khoán VNDirect cho thấy, năm 2023, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đáo hạn ở mức 251.849 tỷ đồng, tăng 64,4% so với năm trước.

So với quý IV/2022, giá trị TPDN đáo hạn ở quý I/2023 ước tính giảm 41,3%, đạt 31.241 tỷ đồng (gấp 3,5 lần quý I/2022). Nhưng, áp lực đáo hạn sẽ tăng mạnh ở quý II và quý III, lần lượt đạt 76.572 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước và 83.127 tỷ đồng, gấp 2,2 lần. Đến quý IV/2023, áp lực sẽ hạ nhiệt hơn, xuống còn 60.908 tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ.

Xét theo cơ cấu, bất động sản là nhóm có giá trị đáo hạn cao nhất trong năm 2023 với 107.752 tỷ đồng, chiếm 42,8% tổng giá trị đáo hạn và tăng 76,2% so với năm trước.

 Nguồn: VNDirect.

Minh Hằng