Loạt doanh nghiệp xây dựng, bất động sản tuyên bố không thể thanh toán gốc và lãi trái phiếu đúng hạn
Theo thông tin công bố từ chuyên trang của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), tính từ đầu năm 2023, có hàng chục doanh nghiệp thông báo không thể thanh toán đúng thời hạn các khoản gốc, lãi trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).
Phần lớn trong đó là các khoản thanh toán đến hạn vào cuối năm 2022, nhưng vì không thu xếp kịp tiền thanh toán nên doanh nghiệp đã thông báo dời kế hoạch chi trả sang năm 2023.
Loạt đơn vị xây dựng, bất động sản tuyên bố chậm trả lãi trái phiếu
Có hai đơn vị trong lĩnh vực xây dựng thông báo chậm thanh toán lãi trái phiếu là CTCP Đầu tư và Xây dựng VINA2 (Mã: VC2) và CTCP Hưng Thịnh Icons (Mã: HTN). Trong đó, VINA2 thông báo đã thống nhất với trái chủ về việc gia hạn thời gian thanh toán gốc, lãi của trái phiếu VC2H2122001.
Theo đó, các bên thống nhất thời gian thanh toán toàn bộ số tiền nợ gốc và lãi phát sinh của trái phiếu vào ngày 27/10. Lãi phát sinh quá hạn bằng 150% của mức lãi suất 11,5% đã công bố. Trong trường hợp, VINA2 có khả năng sẽ chủ động thanh toán trước cho các trái chủ.
Trái phiếu VC2H2122001 phát hành ngày 27/10/2021, đáo hạn vào 27/10/2022 (kỳ hạn một năm) và lãi suất 11,5%/năm, trả lãi mỗi 6 tháng.
Mệnh giá trái phiếu là 100 triệu đồng/trái phiếu và khối lượng phát hành 1.500 trái phiếu, tương ứng tổng giá trị phát hành 150 tỷ đồng. Hiện tại, khoản nợ gốc tương ứng với khối lượng trái phiếu đang lưu hành là gần 119 tỷ đồng.
Còn CTCP Hưng Thịnh Icons thông báo chậm thanh toán một phần gốc của trái phiếu HTNBH2122002. Theo kế hoạch, công ty sẽ thanh toán hơn 8 tỷ đồng tiền lãi và 300 tỷ đồng nợ gốc vào ngày 3/1, nhưng doanh nghiệp chỉ chi trả được phần lãi và 90 tỷ đồng nợ gốc trái phiếu. Còn lại, 210 tỷ đồng nợ gốc được doanh nghiệp dự kiến chi trả thành hai đợt trong tháng 3/2023.
Công ty cho biết tín dụng bị thắt chặt, các thị trường vốn khác không tích cực, các chủ đầu tư không thanh toán kịp cho công ty khiến nguồn tiền bị ảnh hưởng.
Doanh nghiệp cũng đã thông báo bổ sung quy định lãi phạt quá hạn do thanh toán chậm tiền gốc. Theo đó, tiền lãi cho khoản gốc chậm thanh toán là 17,75%/năm, tính từ ngày 1/1/2023 đến ngày liền trước ngày các khoản liên quan được thanh toán đầy đủ.
Trái phiếu HTNBH2122002 được phát hành ngày 31/12/2021, kỳ hạn một năm, đáo hạn vào 31/12/2022. Mệnh giá phát hành 1 triệu đồng/trái phiếu, khối lượng phát hành là 300.000 trái phiếu tương đương tổng giá trị phát hành 300 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong số các doanh nghiệp thông báo không thể thanh toán lãi, gốc trái phiếu đúng hạn có không ít các nhà kinh doanh, phát triển bất động sản và đều nêu cùng một lý do là chưa thu xếp được nguồn tiền.
CTCP Fuji Nutri Food phải thanh toán hơn 25 tỷ đồng lãi của trái phiếu FNFCH2223001 vào ngày 12/2, nhưng doanh nghiệp chưa thu xếp được nguồn thanh toán nên đã thông báo dời ngày chi trả dự kiến đến 20/2.
Về trái phiếu FNFCH2223001, phát hành ngày 12/8/2022 và sẽ đáo hạn vào 12/8/2023. Trái phiếu có mệnh giá 1 triệu đồng/trái phiếu, khối lượng phát hành 1 triệu trái phiếu, tương ứng tổng giá trị phát hành 1.000 tỷ đồng. Trái phiếu có lãi suất 10%/năm và trả lãi mỗi 3 tháng theo như thông tin từ HNX.
Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Seaside Homes thông báo chậm thanh toán 51 tỷ đồng lãi của trái phiếu SRECH2226001 và dự kiến thanh toán vào ngày 10/2.
Trái phiếu SRECH2226001 phát hành ngày 13/1/2022, kỳ hạn 4 năm, đáo hạn vào 13/1/2026. Khối lượng phát hành 150.000 trái phiếu với mệnh giá 10 triệu đồng/trái phiếu, tương ứng tổng giá trị phát hành 1.500 tỷ đồng. Theo chuyên trang của HNX, trái phiếu có lãi suất 12,5%/ năm và kỳ trả lãi mỗi ba tháng.
CTCP Lavida Invest thông báo chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu LVDCH2123001. Trái phiếu này phát hành ngày 8/2/2021, kỳ hạn 2 năm, mệnh giá phát hành 100 triệu đồng/trái phiếu với tổng giá trị phát hành 70 tỷ đồng. Trái phiếu có tài sản đảm bảo, lãi suất 11%/năm và kỳ trả lãi mỗi 3 tháng.
Như vậy, đến ngày 8/2/2023, công ty phải thanh toán 1,7 tỷ đồng tiền lãi và 62 tỷ đồng nợ gốc trái phiếu còn lưu hành. Nhưng doanh nghiệp chỉ mới thanh toán phần lãi, dư nợ gốc được dự kiến thanh toán thành 3 đợt từ tháng 3 đến tháng 5/2023.
Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Nice Star chậm thanh toán hơn 51 tỷ đồng lãi trái phiếu NCLCH2226001. Phía doanh nghiệp dự kiến thanh toán số tiền này vào ngày 10/2.
Trái phiếu trên phát hành ngày 13/1/2022, kỳ hạn 4 năm, mệnh giá phát hành 10 triệu đồng/trái phiếu và tổng giá trị phát hành 1.500 tỷ đồng. Theo chuyên trang của HNX, trái phiếu có lãi suất 12,5%/năm và kỳ thanh toán lãi mỗi ba tháng.
Công ty TNHH Bất động sản Gia Phú thông báo chậm thanh toán khoản lãi hơn 3 tỷ đồng tại ngày 13/2 của trái phiếu GPRCH2123001. Doanh nghiệp không cho biết ngày dự kiến sẽ thanh toán số tiền trên.
Trái phiếu được phát hành ngày 13/8/2021, kỳ hạn 2 năm (tức đáo hạn vào 13/8/2023), mệnh giá phát hành 100 triệu đồng/ trái phiếu và khối lượng phát hành 2.500 trái phiếu, tương ứng 250 tỷ đồng giá trị phát hành. Trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản đảm bảo và lãi suất 10,5% năm, kỳ trả lãi mỗi ba tháng.
CTCP Lâu Đài Trắng thì muốn mua lại trước hạn trái phiếu nhưng chưa đáp ứng được dòng tiền nên trong vòng một tháng đã ra đến ba thông báo thay đổi ngày mua lại.
Ban đầu, doanh nghiệp muốn mua lại trước hạn trái phiếu LDTCH2123001 vào ngày 5/1/2023, song, trong thông báo gần nhất, doanh nghiệp đã dời thời gian thực hiện đến 28/2.
Trái phiếu LDTCH2123001 phát hành ngày 22/11/2021, kỳ hạn 18 tháng, sẽ đáo hạn vào 22/5 tới đây, lãi suất trái phiếu 11,5%/năm và trả lãi mỗi 6 tháng (theo thông tin từ HNX). Khối lượng phát hành 2.400 trái phiếu với mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, tương ứng giá trị phát hành 240 tỷ đồng.
Một công ty con của Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP (Becamex IDC - Mã: BCM) là CTCP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (Becamex TDC - Mã: TDC) cũng báo cáo về việc chậm thanh toán gốc, lãi của lô trái phiếu có mã TDC.BOND.2020.700.
Theo kế hoạch, từ ngày 15/2 đến 22/2, công ty sẽ phải thanh toán gần 24 tỷ đồng tiền lãi đợt 9 của lô trái phiếu trên. Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ thanh toán được 7 tỷ đồng vào ngày 15/2.
Gần 17 tỷ đồng còn lại chưa thể thanh toán bởi tình hình thị trường kinh doanh bất động sản thời gian qua rất chậm đã ảnh hưởng đến dòng tiền sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Becamex TDC cho biết sẽ thanh toán phần lãi chậm trả cùng tiền phạt lãi chậm (tính đến ngày thanh toán) trước ngày 23/3.
Lô trái phiếu nói trên được phát hành vào ngày 9/11/2020, kỳ hạn 5 năm, đáo hạn vào ngày 15/11/2025, mệnh giá là 1 triệu đồng/trái phiếu, tổng giá trị phát hành 700 tỷ đồng. Đây là trái phiếu riêng lẻ, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có sản đảm bảo.
Kỳ trả lãi trái phiếu mỗi ba tháng, theo đó, lãi suất cho 4 kỳ tính lãi đầu tiên là 10,5%/năm, 4 kỳ tiếp theo là 11%/năm. Các kỳ sau, lãi suất sẽ bằng lãi suất tham chiếu của kỳ tính lãi cộng thêm 5%/năm và không thấp hơn 11,5%/năm.
Bên cạnh các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng thì nhiều doanh nghiệp ở ngành nghề khác như nông nghiệp, năng lượng,... cũngtuyên bố chậm thanh toán lãi, gốc trái phiếu.
CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - Mã: HAG) đã không thể thanh toán hơn 140 tỷ đồng lãi và 881 tỷ đồng gốc của trái phiếu HAGLBOND16.26 đúng hạn vào ngày 30/12/2022.
Nguyên nhân được công ty đưa ra là chưa thu được tiền từ khoản nợ của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico - Mã: HNG) và thanh lý các tài sản không sinh lợi của doanh nghiệp. Phía HAGL dự kiến sẽ chi trả các khoản gốc, lãi nói trên vào quý II/2023.
Về trái phiếu, HAGLBOND16.26 được phát hành ngày 30/12/2016, kỳ hạn 10 năm, tức đáo hạn vào 30/12/2026. Trái phiếu có mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, khối lượng phát hành là 6.596 trái phiếu, tương đương tổng giá trị phát hành gần 6.596 tỷ đồng.
Trái phiếu được đảm bảo bằng tài sản, kỳ trả lãi mỗi 3 tháng và lãi suất bằng lãi suất tham chiếu cộng biên độ 3%/năm.
CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex - Mã: AGM) đã tổ chức Hội nghị chủ sở hữu trái phiếu để thông báo việc bán tài sản nhằm thanh toán hết nợ gốc và lãi của trái phiếu AGMH2123001, chậm nhất đến ngày 31/3.
Trái phiếu AGMH2123001 có mệnh giá phát hành 1 triệu đồng/trái phiếu, tổng giá trị phát hành 350 tỷ đồng (tương đương 350.000 trái phiếu), được phát hành ngày 9/11/2021 và sẽ đáo hạn vào 9/11/2023 (kỳ hạn hai năm). Lãi suất trái phiếu là 7%/năm và kỳ trả lãi mỗi ba tháng.
Mặc dù, chưa đến ngày đáo hạn nhưng trái phiếu được các trái chủ yêu cầu công ty mua lại bởi những thông tin tiêu cực liên quan đến doanh nghiệp trong thời gian qua.
Ngoài ra, với mã trái phiếu AGMH2223001 đáo hạn ngày 14/9, doanh nghiệp và các trái chủ thống nhất gia hạn thanh toán gốc đến ngày 14/3/2024 với lãi suất 7%/năm (kỳ trả lãi mỗi 3 tháng) và gia hạn thời gian thanh toán lãi thêm một quý so với kế hoạch phát hành.
Trái phiếu nói trên phát hành ngày 14/3/2022, kỳ hạn 18 tháng, mệnh giá 1 triệu đồng/trái phiếu và có tổng giá trị phát hành 300 tỷ đồng.
CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (Mã: DLG) chậm thanh toán lãi, gốc đến hạn của mã trái phiếu 30122017-01. Trái phiếu phát hành ngày 30/12/2017, kỳ hạn 5 năm, đáo hạn vào ngày 30/12/2022. Mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu và khối lượng phát hành là 134 trái phiếu, tương ứng giá trị phát hành 134 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/12/2022, công ty phải thanh toán khoản tiền gốc hơn 117 tỷ đồng và 64 tỷ đồng tiền lãi nhưng chưa thể thực hiện do tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, lãi suất tăng cao, tín dụng siết chặt dẫn đến dòng tiền không đáp ứng được kế hoạch thanh toán.
Công ty cho biết đang đàm phán với nhà đầu tư trái phiếu để gia hạn thời gian trả nợ theo quy định của pháp luật.
Một doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng cũng thông báo đạt được thoả thuận giãn thời gian thanh toán nợ gốc trái phiếu với nhà đầu tư là CTCP BCG Energy. Theo đó, nợ gốc trái phiếu BONDBE/2019.01 sẽ được thanh toán thành nhiều đợt cho đến ngày 30/6.
Trái phiếu trên được phát hành vào ngày 4/9/2019, kỳ hạn 3 năm, tức đáo hạn ngày 4/9/2022. Mệnh giá là 100.000 đồng/trái phiếu, tổng giá trị phát hành gần 116 tỷ đồng, lãi suất 7%/năm với kỳ trả lãi mỗi 6 tháng.
Áp lực đáo hạn sẽ gia tăng trong quý II và quý III
Báo cáo thị trường trái phiếu gần nhất của CTCP Chứng khoán VNDirect (Mã: VND) cho thấy, năm 2023, tổng giá trị TPDN đáo hạn ở mức 251.849 tỷ đồng, tăng 64,4% so với năm trước.
So với quý IV/2022, giá trị TPDN đáo hạn ở quý I/2023 ước tính giảm 41,3%, đạt 31.241 tỷ đồng (gấp 3,5 lần quý I/2022). Nhưng, áp lực đáo hạn sẽ tăng mạnh ở quý II và quý III, lần lượt đạt 76.572 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước và 83.127 tỷ đồng, gấp 2,2 lần. Đến quý IV/2023, áp lực sẽ hạ nhiệt hơn, xuống còn 60.908 tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ.
Xét theo cơ cấu, bất động sản là nhóm có giá trị đáo hạn cao nhất trong năm 2023 với 107.752 tỷ đồng, chiếm 42,8% tổng giá trị đáo hạn và tăng 76,2% so với năm trước.
Nhóm tài chính – ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn thứ hai với 30,8% tương đương 77.650 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, các ngành còn lại chỉ chiếm 26,4%, tương đương 66.446 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ.
Ở diễn biến khác, mới đây Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ về việc ban hành, sửa đổi và ngưng thực thi một số quy định của Nghị định 65 về thị trường trái phiếu. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất cho phép doanh nghiệp đàm phán kéo dài, thay đổi kỳ hạn của trái phiếu và có thể chuyển đổi trái phiếu thành khoản vay hoặc thanh toán bằng tài sản khác khi được sự đồng ý của trái chủ.
Các biện pháp này được kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt áp lực đáo hạn trái phiếu cho doanh nghiệp trước bối cảnh khó khăn về dòng tiền.