Nhiều cổ phiếu tăng trần với thanh khoản đột biến trong phiên thị trường rực lửa
Kết phiên cuối tuần 20/8, VN-Index mất 45 điểm (tương đương 3,3%) và dừng ở 1.329,43 điểm. HNX-Index và UPCoM-Index cũng sụt lần lượt 2,3% và 2,1%.
Chỉ số bluechip VN30-Index lao dốc mạnh hơn thị trường chung với tỷ lệ giảm 3,63%, tương ứng mất đi gần 55 điểm. Tất cả 30 mã thành viên đều đóng cửa dưới tham chiếu nhưng không mã nào giảm sàn, cho thấy nhiều nhà đầu tư sẵn sàng tranh thủ giá đỏ để mua vào.
Thanh khoản thị trường lên cao chưa từng thấy. Giá trị giao dịch của riêng HOSE đã là 38.350 tỷ đồng (tương đương gần 1,7 tỷ USD), của toàn thị trường là hơn 48.600 tỷ đồng (2,1 tỷ USD).
Ở HOSE vẫn có 75 mã tăng với 12 mã kịch trần. HNX và UPCoM cũng có lần lượt 13 và 48 cổ phiếu tăng trần. Một số mã đi lên mạnh kèm theo thanh khoản cao đột biến.
Cụ thể, cổ phiếu JVC của Thiết bị Y tế Việt Nhật tăng 6,8% và trắng bên bán. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 80 tỷ đồng, cao gấp 12 lần trung bình 20 phiên gần nhất. Đây là phiên tăng trần thứ 4 liên tiếp của cổ phiếu y tế này.
Một số cổ phiếu vốn hóa tương đối lớn cũng diễn biến khả quan trong phiên 20/8 như VGC của Viglacera tăng kịch trần 7% với giá trị giao dịch hơn 250 tỷ đồng, cao gấp 6,3 lần trung bình 20 phiên gần đây và cũng là mức cao nhất kể từ đầu tháng 8 năm ngoái.
Công ty mẹ của Viglacera là Tập đoàn Gelex (Mã: GEX) cũng chứng kiến cổ phiếu tăng 1,7% với thanh khoản đột biến.
Một công ty liên quan đến Gelex khác là Chứng khoán VIX (Mã: VIX) ghi nhận giá cổ phiếu vọt lên 5%, giá trị giao dịch 406 tỷ đồng. Bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch HĐQT Chứng khoán VIX là chị gái của ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Giám đốc Gelex.
Mới đây, Chứng khoán VIX đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận phương án phát hành gần 147 triệu cổ phiếu, trong đó có 19,2 triệu đơn vị để trả cổ tức và gần 128 triệu cổ phiếu để chào bán cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1, giá chào bán 10.000 đồng/cp.
Riêng trong tuần qua, giá cổ phiếu VIX đã tăng 31%, kết phiên 20/8 ở 29.500 đồng/cp. Sau phát hành, vốn điều lệ của công ty sẽ tăng từ 1.277 tỷ đồng lên khoảng 2.750 tỷ đồng.
Trong bối cảnh thị trường rực lửa, ngành chứng khoán vẫn diễn biến tương đối tích cực khi có hàng chục mã đi lên, ngoài VIX có thể kể đến VIG và CTS đều tăng 5,8%, DSC, VFS và APG cùng kịch trần.
Nhóm ngân hàng chìm trong sắc đỏ. Ở nhóm thép, VGS của Ống thép Việt Đức là mã duy nhất khởi sắc khi tăng tới 9,4%, giá trị khớp lệnh đạt trên 45 tỷ đồng, cao hơn 30% so với trung bình 10 phiên. Từ 9/8 đến nay, VGS đã tăng 10 phiên liên tiếp, giúp nhà đầu tư nhân đôi tài khoản.
Tính chung toàn thị trường, 20/8 là một ngày nguồn với nhiều nhà đầu tư. Vốn hóa sàn HOSE sụt gần 172.000 tỷ đồng (tương đương 7,5 tỷ USD). Cộng thêm cả HNX và UPCoM, thị trường chứng khoán Việt Nam đã mất đi 207.000 tỷ đồng giá trị vốn hóa trong một phiên.
Thị trường chứng khoán lao dốc trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục lan rộng. Trong hai ngày liên tiếp 19-20/8, Việt Nam đều ghi nhận hơn 10.000 ca dương tính mỗi ngày. Ổ dịch lớn nhất là trung tâm kinh tế TP Hồ Chí Minh và Bình Dương.
Nhiều địa phương đã thông báo kéo dài thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng.
Thủ đô Hà Nội sẽ tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 trong giai đoạn từ 23/8 đến 6/9. TP Hồ Chí Minh thắt chặt các biện pháp hạn chế bằng cách không để người dân tự đi chợ mua nhu yếu phẩm mà giao các lực lượng quân đội, công an tổ chức hỗ trợ.