|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nhiều cổ phiếu ngân hàng đã giảm 50% giá trị kể từ đầu năm

15:54 | 05/10/2022
Chia sẻ
Thị giá của nhiều cổ phiếu ngân hàng giảm trên 50% theo đà rơi của thị trường, trong đó ba mã cổ phiếu đã xuống dưới mệnh giá.

Kể từ đầu năm đến nay, cổ phiếu ngân hàng liên tục sụt giảm theo đà rơi của thị trường và tạo đáy vào tháng 6. Nhóm cổ phiếu này bật tăng trở lại khoảng 15% trong 2 tháng sau đó và tiếp tục giảm từ đầu tháng 9 trước biến động vĩ mô và áp lực gia tăng lãi suất. 

Mở cửa phiên đầu tháng 10, nhiều cổ phiếu ngân hàng tiếp tục nằm sàn khi VN-Index xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ 1.100 điểm. Kết phiên ngày hôm nay (5/10), thị trường đã trở lại sắc xanh, song thị giá cổ phiếu ngân hàng vẫn đang nằm ở vùng thấp so với đầu năm.

Theo thống kê về biến động giá của 27 ngân hàng thương mại niêm yết, cổ phiếu VBB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) là mã cổ phiếu giảm mạnh nhất 53% kể từ đầu năm, xuống còn hơn 9.300 đồng/cp. Cổ phiếu của Ngân hàng Bản Việt, BVB cũng giảm 52% xuống còn 11.500 đồng/cp.

Các cổ phiếu niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cũng thị giá giảm mạnh như SHB và OCB cùng giảm 48%, MSB giảm 45% xuống lần lượt 11.700 đồng/cp, 14.400 đồng/cp và 16.150 đồng/cp.

Nhiều cổ phiếu khác có thị giá giảm trên 40% có thể kể đến như TPB và LPB cùng giảm 42%, ABB và NAB cùng giảm 41%, STB và PGB giảm 40%. Các cổ phiếu vốn hoá lớn như TCB, CTG, VPB dao động từ 30-39%.

4 cổ phiếu giữ giá tốt nhất ngành là EIB (giảm 2%), KLB (giảm 4%), VCB (giảm 10%) và BID (giảm 16%).

 

Báo cáo cập nhật mới đây của Chứng khoán Agribank cho biết lũy kế từ mức đỉnh đầu năm (tháng 2/2022) cho tới nay, cổ phiếu ngành ngân hàng đã được chiết khấu, trung bình khoảng 40%.

Bên cạnh đó, định giá nhóm ngân hàng theo P/B (1,4x) vẫn đang ở dưới mức trung bình 5 năm (2x). Đây là vùng giá hấp dẫn để đầu tư.

Tuy nhiên, lợi nhuận ngành ngân hàng trong năm 2022 và 2023 sẽ khó duy trì tăng trưởng cao như giai đoạn 2020 – 2021. Động lực tăng trưởng của nhóm bị suy giảm hơn khi dư địa tăng trưởng tín dụng không còn nhiều và NIM chịu áp lực do lãi suất đầu vào có xu hướng tăng trong khi lãi suất cho vay khó tăng theo tương ứng.

Tại chương trình "Khớp lệnh" của VTV Digital, Giám đốc Phân tích và Tư vấn Đầu tư, CTCP Chứng khoán Tân Việt, ông Lê Ngọc Nam cho biết thị trường và nhóm ngân hàng đã có một giai đoạn hồi phục, nhiều cổ phiếu đã hồi phục rất tốt như VCB, BID, STB, MBB,… Tuy nhiên để kỳ vọng cổ phiếu ngân hàng quay trở lại đỉnh cũ của tháng 4 thì rất khó vì lúc đó định giá của thị trường khá cao. 

Phương Nga