Nhiều 'cá mập' lãi lớn với lợi nhuận hai con số, ETF nội vượt trội nhóm ngoại
Nhiều quĩ đầu tư "chiến thắng" thị trường chung
Sau khi lao dốc mạnh quí đầu năm do tác động của đại dịch COVID-19, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có hai quí giao dịch khởi sắc. Trong quí còn lại của năm, thị trường đã có 2/3 tháng tăng mạnh. Đáng chú ý là việc VN-Index vượt mốc 1.000 điểm.
Trong quí I, diễn biến kém tích cực của thị trường khiến hầu hết các nhà đầu tư tổ chức như công ty chứng khoán, quĩ đầu tư ghi nhận quí đầu tư tồi tệ nhất nhiều năm. Nhưng khi thị trường đảo chiều, giá trị danh mục của các quĩ ngoại tăng nhanh sau đó. Tính đến cuối tháng 11, nhiều quĩ ngoại đạt được tỉ suất lợi nhuận hai con số.
Tính đến cuối tháng 10, VN30-Index tăng 1,5% so với thời điểm đầu năm, trong khi VN-Index đang giảm 3,7%. Qua quan sát, nhiều quĩ đã chiến thắng thị trường chung với hiệu suất cao hơn đáng kể so với hai chỉ số thị trường trên.
ETF nội vượt trội
Tại nhóm quĩ hoán đổi danh mục (ETF), VFMVN Diamond ETF có tỉ suất lợi nhuận cao nhất với 36,4%. Đây là quĩ có hiệu suất danh mục hàng đầu thị trường và cao nhất trong các ETF đang hoạt động trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
VFMVN Diamond ETF được phát triển bởi VFM, một đơn vị vận hành nhiều ETF trên thị trường. ETF này được thành lập vào tháng 4 và niêm yết trong tháng 5, qui mô quĩ liên tục tăng trưởng mạnh. Cập nhật đến 29/11, giá trị tài sản ròng (NAV) của quĩ đạt 2.785 tỉ đồng (khoảng 121 triệu USD).
Một ETF nội khác mới mở trong năm nay là SSIAM VNFIN LEAD ETF cũng có kết quả khởi sắc với hiệu suất 3,6% sau 10 tháng, cao hơn so với tỉ suất lợi nhuận 2,4% của E1VFVN30 ETF. Tại ngày 29/11, NAV của SSIAM VNFIN LEAD ETF là 963,1 tỉ đồng.
Trái với các ETF nội, các ETF ngoại có kết quả kém tích cực, đa phần có hiệu suất âm sau 10 tháng. Đơn cử như lợi suất đầu tư của FTSE ETF (-0,2%), VNM ETF (-7,2%) và iShares MSCI Frontier 100 ETF (-10,9%). Hai ETF là VNM ETF và iShares MSCI Frontier 100 ETF phân bổ danh mục tại nhiều quốc gia khác nhau ngoài Việt Nam.
Có phần sáng hơn so với các ETF ngoại khác trên thị trường, Premia MSCI Vietnam ETF ghi nhận tỉ suất lợi nhuận 0,3% sau 10 tháng. Với những gì đạt được, quĩ này đang không huy động được thêm tiền vào TTCK Việt Nam và đang có xu hướng giảm qui mô do rút quĩ.
Như vậy có thể thấy rằng, trong hoạt động của các ETF nội đang có phần vượt trội hơn so với nhiều quĩ ngoại khác trên thị trường.
VinaCapital, Dragon Capital, Pyn đã có hiệu suất hai con số
Tại nhóm quĩ đóng, thời điểm cuối tháng 10, quĩ VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF) do VinaCapital quản lí tạm dẫn đầu với tỉ suất lợi nhuận 10,7%.
Tính đến 31/10, qui mô danh mục của VOF là 945 triệu USD, phân bổ nhiều nhất vào các cổ phiếu HPG (15,7%), KDH (8,7%), ACV (6,2%). Những khoản đầu tư lớn nhất của VOF còn có PNJ, ACB, EIB, VNM, OCB, QNS và FPT.
Mặc dù cùng nhóm VinaCapital nhưng VinaWealth Equity Opportunity Fund (VEOF) đầu tư không mấy khả quan với tỉ suất lợi nhuận sau 10 tháng là âm 2,1%.
Quĩ ngoại từ Phần Lan Pyn Elite Fund cũng có bức tranh đầu tư tương đối sáng sủa trong 10 tháng đầu năm với tỉ suất 4,4%. Cập nhật mới nhất tại ngày 24/11, con số này tăng mạnh lên 13,24%. Kết quả này đến từ việc quĩ đã nắm giữ tỉ trọng lớn cổ phiếu ngân hàng (1/3 danh mục). Sóng tăng giá của các mã ngân hàng đã giúp Pyn có thành quả trên.
"Cá mập" lớn nhất trên thị trường là Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) cũng thành công với việc nắm giữ tỉ trọng lớn cổ phiếu ngân hàng. Trong 10 tháng, tỉ suất lợi nhuận của quĩ tỉ đô do Dragon Capital quản lí đạt 2,7%. Nhờ đợt tăng giá mạnh trong tháng 11 của TTCK Việt Nam, hiệu suất quĩ tăng lên 11,09% tính đến 19/11.
Giá trị tài sản ròng của quĩ VEIL tính đến ngày 19/11 đạt 1,629 tỉ USD. Đây là qui mô lớn nhất của quĩ ngoại này trong 3 năm trở lại đây. Về danh mục, MWG của Thế Giới Di Động tiếp tục dẫn đầu với tỉ trọng 9,97%, theo sau là ACB (9,71%), HPG (9,62%) và VCB (8,29%).
Tại nhóm quĩ có qui mô vừa và nhỏ, AFC Vietnam Fund khởi sắc nhất với hiệu quất 5,9% sau 10 tháng. JPMorgan Vietnam Opportunities vừa hòa vốn với tỉ suất lợi nhuận 0,4%. Vietnam Holding có kết quả đầu tư tồi tệ hơn khi hiệu suất vẫn âm 4%.
Với trường hợp của Matthews Emerging Asia Fund, quĩ ngoại này dường như sẽ nuối tiếc khi phân bổ tỉ trọng 17,5% vào cổ phiếu Việt Nam. Khi các quĩ đầu tư đồng loạt ghi nhận tăng trưởng NAV hai con số, Matthews Emerging Asia Fund ngậm ngùi với tỉ suất lợi nhuận âm 17,8% sau 10 tháng đầu tư.