|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

'Nhiệm vụ đặc biệt' của bộ 3 doanh nghiệp Hoa Phượng - Anh Đào -Lan Việt và những rủi ro cần nhận diện

07:23 | 12/11/2019
Chia sẻ
Chỉ riêng trong tháng 10/2019, đã có nhiều doanh nghiệp chưa đại chúng báo lỗ sau các đợt phát hành trái phiếu có giá trị hàng nghìn tỉ đồng. Trong đó, sự xuất hiện của bộ ba doanh nghiệp Hoa Phượng - Anh Đào - Lan Việt để lại nhiều dấu hỏi.

Huy động vốn hàng nghìn tỉ đồng rồi báo lỗ

Thông tin về doanh nghiệp phát hành trái phiếu được công bố trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) mới đây cho thấy, tính đến tháng 6/2019, 3 công ty Công ty TNHH Bất động sản Hoa Phượng, Công ty TNHH Bất động sản Anh Đào và Công ty TNHH Bất động sản Lan Việt lần lượt báo lỗ 27,5 tỉ đồng, lỗ 28 tỉ đồng và lỗ 21 tỉ đồng.

hoa-phuong-edit

Nguồn: HNX.

Trước khi công bố kết quả lỗ trên, bộ ba doanh nghiệp này đã phát hành lượng trái phiếu lớn thông qua "đầu mối" thu xếp vốn là CTCP Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS); tổng khối lượng phát hành của ba công ty là 1.398 tỉ đồng được chia đều cho ba đơn vị.

Mối liên hệ mật thiết của bộ ba doanh nghiệp Hoa Phượng - Anh Đào - Lan Việt  

Đáng chú ý, cả ba lô trái phiếu của bộ ba doanh nghiệp Hoa Phượng - Anh Đào - Lan Việt được phát hành trong cùng ngày 28/12/2018, cùng một lượng trái phiếu như nhau (mỗi công ty phát hành  466 tỉ đồng).

Các trái phiếu cùng có kì hạn 2 năm và cùng lưu ký tại CTCP Chứng khoán Kỹ thương (TCBS); trong kì báo cáo 1/1-30/6/2019, mỗi đơn vị đã thanh toán 22,47 tỉ đồng lãi trái phiếu.

Các thông tin công bố cũng cho thấy Hoa Phượng - Anh Đào - Lan Việt có mối liên hệ mật thiết với nhau. Theo tìm hiểu của người viết, Hoa Phượng, Anh Đào và Lan Việt đều được thành lập vào đầu năm 2014. Trong đó, Hoa Phượng và Anh Đào cùng được thành lập vào ngày 6/1, Lan Việt được thành lập ngày 27/2.

Thông tin về cổ đông sáng lập cũng như vốn điều lệ của Hoa Phượng và Anh Đào không được công bố. Riêng tại công ty Lan Việt, thông tin công bố vào ngày 28/11/2017 cho thấy, đơn vị này có vốn điều lệ đăng kí 135 tỉ đồng, chia đều cho hai cổ đông cá nhân là Phạm Trúc Lan và Đỗ Thị Hiền Lương.

Bà Đỗ Thị Hiền Lương là Giám đốc, kiêm người đại diện pháp luật của Lan Việt. Bà Lương còn là Giám đốc và người đại diện pháp luật của CTCP Kelsey, được thành lập vào ngày 11/1/2017 với vốn điều lệ 15 tỉ đồng.

Lan-Viet-co-dong

Cơ cấu cổ đông của Lan Việt. Nguồn: Cổng thông tin quốc gia về đăng kí doanh nghiệp.

Cùng thành lập một công ty vốn 1.827 tỉ đồng trước đợt phát hành

Trước thời điểm cùng nhau phát hành trái phiếu, ngày 18/12/2018, bộ ba doanh nghiệp Hoa Phượng - Anh Đào - Lan Việt đã cùng thành lập Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Kinh doanh SSM.

SSM có vốn điều lệ đăng kí 1.827 tỉ đồng, 100% vốn góp đến từ bộ ba công ty. Trong đó, Lan Việt sở hữu 33,4%, Hoa Phượng và Anh Đào mỗi đơn vị sở hữu 33,3%.

SSM-co-dong

Cơ cấu cổ đông SSM. Nguồn: Cổng thông tin quốc gia về đăng kí doanh nghiệp.

Theo thông tin cập nhật đến ngày gần nhất, 17/1/2019, SSM do bà Đinh Hồng Minh, sinh năm 1990 làm Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty. 

Đồng thời, bà Minh cũng giữ vai trò Giám đốc và người đại diện pháp luật tại CTCP Đầu tư và Phát triển Suối Hoa, đơn vị được thành lập vào ngày 22/1/2014.

Ngoài ra, thông tin về hoạt động của SSM và cả bộ ba doanh nghiệp Hoa Phượng - Anh Đào - Lan Việt là một "khoảng trống" mênh mông. 

"Vùng xám" tiềm ẩn rủi ro lớn

Theo thông tin của bộ 3 doanh nghiệp công bố có thể thấy, cả 3 doanh nghiệp này đang có hệ số nợ vay trên vốn chủ lớn bậc nhất nhất thị trường hiện nay.  

Trong đó, Hoa Phượng có vốn chủ sở hữu 55,64 tỉ đồng, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu lên đến 16,19 lần; Anh Đào có vốn 71 tỉ đồng, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu 9,12 lần; tương ứng của Lan Việt lần lượt là 125 tỉ đồng và 5 lần.

Tỷ lệ nợ trên vốn như vậy là quá cao đối với các doanh nghiệp vừa thành lập không lâu; trong khi những doanh nghiệp hàng chục năm trên thị trường chứng khoán hiện nay, tỉ lệ nợ/vốn bình quân cũng chỉ từ 1-2 lần. Điều này cho thấy rủi ro cho vay của trái chủ là rất lớn.

Câu hỏi đặt ra, ai là trái chủ sẵn sàng rót số tiền lớn vào những DN mới vừa thành lập với "vùng xám" thông tin lớn như vậy? Và ông chủ đằng sau họ là ai? Các doanh nghiệp này được thành lập ra để làm gì? Sứ mệnh của các doanh nghiệp nói trên là gì?

Theo quan sát của một chuyên gia kinh tế, việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu rầm rộ thành công trong thời gian gần đây tạo sự nghi ngờ rằng nguồn vốn trái phiếu này không đúng bản chất từ những nhà đầu tư cá nhân và những tổ chức tài chính xem đây là một kênh đầu tư sinh lời.

Chuyên gia lí giải hiện tượng trên có thể là một hình thức cơ cấu nợ của ngân hàng với doanh nghiệp bởi họ không muốn đưa vào nợ xấu vì không có khả năng trả trong ngắn hạn. Do đó, họ có thể chuyển qua một hình thức mới, qua 2 - 3 tầng trung gian.

Trong trường hợp này, các công ty trong bài này có thể là các SPE (viết tắt của Special Purpose Entity) - các công ty sinh ra để phục vụ cho một mục đích huy động vốn hoặc cơ cấu lại nợ của một "ông lớn" trên nào đó trên thị trường.

Còn theo chia sẻ của một vị giám đốc khối quản trị rủi ro của một ngân hàng, thực tế rủi ro hiện nay của việc phát hành trái phiếu riêng lẻ đã được đại chúng hoá bằng cách chuyển trái phiếu đến tay nhà đầu tư thứ cấp là các nhà đầu tư cá nhân, phần đông là người gửi tiền.

Vị này cũng cho biết hiện một lượng trái phiếu sau khi được tổ chức trung gian là Công ty chứng khoán đứng ra thu xếp, một phần trái phiếu sẽ được các ngân hàng phân phối đến đối tượng là người gửi tiền, những người bị hấp dẫn bởi những lời chào với khoản chênh lệch được nhận thêm so với lãi tiền gửi. 

Rủi ro được nhận diện rất rõ ở đây là các doanh nghiệp này lấy gì để thanh toán các khoản nợ đến hạn, đặc biệt là với "khoảng trống" thông tin của các DN này?

Liên quan về vấn đề này, giữa năm nay, trước sự bùng nổ hiện tượng doanh nghiệp đua nhau phát hành trái phiếu riêng lẻ nhằm huy động vốn với lãi suất cao, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính đặc biệt lưu ý các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BĐS phát hành trái phiếu riêng lẻ nhằm dẫn vốn đi đúng hướng.

Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đảm nhận việc nhận và cung cấp thông tin của các doanh nghiệp phát hành. Tuy nhiên, theo quan sát thì đến nay vẫn rất nhiều trường hợp DN không tuân thủ đúng các qui định công bố thông tin theo quy định tại Nghị định 163/2018/NĐ-CP.

Việc né tránh công bố thông tin theo qui định, hoặc báo cáo mang tính chất đối phó, chưa kể thông tin có thể bị "bóp méo" bởi những báo cáo sơ sài (chưa kiểm toán) có thể tạo rủi ro rất lớn lên nhà đầu tư, đặc biệt những người gửi tiền thiếu thông tin.

Không chỉ có bộ ba doanh nghiệp tên hoa nói trên, chỉ riêng tháng 10 vừa qua, theo quan sát của người viết, đã có rất nhiều doanh nghiệp "vô danh", chưa đại chúng sau khi phát hành hàng nghìn tỉ đồng trái phiếu vào những năm 2017, 2018 thì đến tháng 6/2019 đã báo cáo lỗ.

Cơ chế công bố thông tin và chế độ báo cáo đối với phát hành trái phiếu tại thị trường trong nước theo Nghị định số 163/2018/NĐ-CP ngày 04/12/2018 của Chính phủ.

Điều 24. Công bố thông tin định kỳ

1. Định kỳ 06 tháng và hàng năm cho đến khi đáo hạn trái phiếu, doanh nghiệp phát hành gửi nội dung công bố thông tin định kỳ theo hình thức hồ sơ giấy hoặc hồ sơ điện tử cho nhà đầu tư sở hữu trái phiếu hoặc tổ chức lưu ký để công bố cho nhà đầu tư sở hữu trái phiếu; đồng thời gửi nội dung công bố thông tin định kỳ cho Sở Giao dịch Chứng khoán.

2. Nội dung công bố thông tin định kỳ bao gồm:

a) Báo cáo tài chính 06 tháng, báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu đã được kiểm toán (nếu có); báo cáo tài chính chưa kiểm toán được Đại hội cổ đông hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty xác nhận các số liệu;

b) Báo cáo sử dụng vốn, tiến độ giải ngân, tiến độ thực hiện dự án và báo cáo đánh giá tác động đến môi trường đối với trái phiếu xanh theo quy định tại khoản 4 Điều 5 Nghị định này; trong đó, báo cáo sử dụng vốn phải có ý kiến soát xét của tổ chức kiểm toán;

c) Tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

3. Sở Giao dịch Chứng khoán tiếp nhận nội dung công bố thông tin định kỳ của doanh nghiệp phát hành trái phiếu theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này để thực hiện công bố thông tin trên chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp và tổng hợp về tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Nguyên Ngọc