|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhật Bản nỗ lực chống nạn sao chép các sản phẩm nông nghiệp ở nước ngoài

01:32 | 09/05/2021
Chia sẻ
Chính phủ Nhật Bản và các doanh nghiệp Nhật Bản đang đấu tranh chống nạn sao chép ở nước ngoài, thực hiện các biện pháp để bảo vệ tính toàn vẹn của các sản phẩm “made in Japan”, từ dâu tây cho đến rượu whisky.
Nhật Bản nỗ lực chống nạn sao chép các sản phẩm nông nghiệp ở nước ngoài - Ảnh 1.

Một người lao động Việt Nam thu hoạch cà chua tại một trang trại ở Asahi, tỉnh Chiba (Nhật Bản). (Ảnh: Báo điện tử Tổ Quốc).

Chính phủ của Thủ tướng Yoshihide Suga đã sửa đổi Đạo luật Bảo vệ cây trồng và giống cây trồng. Đạo luật, được thực thi một phần vào đầu tháng 4/2021, cùng với một số quy định khác sẽ có hiệu lực vào năm tới, nhằm mục đích bảo vệ tốt hơn quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến sự phát triển của hạt giống mới.

Đại diện chi nhánh Fukuoka của Liên đoàn các Hiệp hội Hợp tác Nông nghiệp Quốc gia, Zen-Noh cho hay, động thái sửa đổi luật này sẽ bảo vệ giá trị các thương hiệu và cần được đánh giá cao. Fukuoka là quê hương của Hakata Amaou, một giống dâu tây cao cấp của Nhật Bản.

Sau khi sửa đổi đạo luật trên, Bộ Nông-lâm-ngư nghiệp Nhật Bản đã liệt kê 1.975 loại trái cây và rau quả được phát triển ở Nhật Bản mà hạt giống và cây giống bị cấm mang ra khỏi nước này. Danh sách bao gồm nhiều loại trái cây, rau và ngũ cốc cao cấp nổi tiếng nhất Nhật Bản, bao gồm dâu tây Amaou, nho Shine Muscat, gạo Yumepirika và khoai lang Beniharuka.

Một đại diện của Bộ Nông- lâm-ngư nghiệp Nhật Bản cho biết, diện tích canh tác nho Shine Muscat ở Trung Quốc lớn hơn nhiều so với ở Nhật Bản. Ngoài Trung Quốc, Hàn Quốc cũng trồng Shine Muscat và đã xuất khẩu sang Đông Nam Á. Ông nói thêm rằng, nho Shine Muscat chính hiệu của Nhật Bản đang phải chống lại hàng nhái, vốn có giá thấp hơn.

Ngoài những trái nho lạ mắt, dâu tây thượng hạng của Nhật Bản cũng được trồng ở Hàn Quốc. Bộ Nông-lâm-ngư nghiệp Nhật Bản ước tính Nhật Bản đã thiệt hại 22 tỷ yên (tương đương 202 triệu USD) trong 5 năm do cây giống bị tuồn ra nước ngoài.

Chính phủ đặt mục tiêu tăng giá trị xuất khẩu nông sản của Nhật Bản lên 5.000 tỷ yen vào năm 2030 và việc sửa đổi đạo luật về hạt giống cây trồng sẽ giúp ích cho nỗ lực đó.

Các công ty tư nhân Nhật Bản cũng đang đấu tranh để bảo vệ thương hiệu "made in Japan". EY Japan, chi nhánh Nhật Bản của tổ chức kiểm toán toàn cầu EY, đang phát triển một hệ thống truy xuất nguồn gốc chuỗi khối (blockchain) cho phép các nhà sản xuất rượu sake Nhật Bản chia sẻ thông tin như hồ sơ xuất xứ và giao hàng với người tiêu dùng nước ngoài. Công nghệ này nhằm mục đích phân biệt sản phẩm chính hãng với hàng nhái

Minh Trang