|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nhật Bản: Đại dịch đang khắc sâu lằn ranh 'thắng-thua' trên thị trường may mặc

05:08 | 01/03/2021
Chia sẻ
Đại dịch COVID-19 đã làm nới rộng khoảng cách giữa “người thắng và kẻ thua” trong lĩnh vực may mặc của Nhật Bản, khi ngày càng có nhiều người tìm đến các sản phẩm đơn giản có giá cả hợp lý, hơn là những “bộ cánh” văn phòng cầu kỳ và đắt đỏ.

Vào năm 1980, một nhà bán lẻ thực phẩm và hàng may mặc ở tỉnh Gunma phía Bắc Tokyo, đã mở cửa hàng đầu tiên mang tên Workman chuyên bán quần áo công nhân xây dựng. 

Đến năm 1982, công ty Workman được thành lập và đến nay, số lượng cửa hàng Workman trên toàn quốc đã tăng chóng mặt, đạt 902 cửa hàng tính đến cuối tháng 1/2021. Con số này đã vượt con số 809 cửa hàng của chuỗi cửa hàng quần áo nổi tiếng Uniqlo (thuộc tập đoàn may mặc Fast Retailing, Nhật Bản). 

Workman hiện đang phát triển nhanh chóng với việc "lấn sân" sang dòng sản phẩm thể thao và quần áo ngoài trời. Trong năm tài chính hiện tại (kết thúc vào tháng 3/2021), công ty kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận hoạt động, lợi nhuận ròng sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm thứ 10 liên tiếp.

Workman đã chứng kiến doanh số bán hàng theo tháng tại mỗi cửa hàng tăng đều kể từ tháng 10/2017, kéo dài qua cả thời điểm đất nước Nhật Bản ở trong tình trạng khẩn cấp vào tháng 4-5/2020 vì đại dịch COVID-19. 

Tomoyuki Hayashi, Giám đốc quan hệ công chúng của Workman, cho biết các cửa hàng của công ty hầu hết đều toạ lạc ở ngoài đường phố thay vì trong các trung tâm mua sắm nên việc mua sắm tại Workman cho phép khách hàng tránh đám đông. Ông nói: "Đó là một trong những yếu tố thúc đẩy doanh số bán hàng của chúng tôi ngay cả trong tình trạng khẩn cấp". 

Workman đã mở một chuỗi cửa hàng mới có tên "Workman Plus" vào năm 2018 để bán quần áo thể thao và quần áo ngoài trời với giá cả hợp lý, sau khi các sản phẩm áo mưa chống nước và chống lạnh của công ty được người tiêu dùng chào đón nhiệt tình để sử dụng trong mùa Đông.

Ngoài ra, Workman cũng đã hợp tác với những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội. Đây được coi là những "đại sứ thương hiệu" của Workman. Năm ngoái, công ty đã yêu cầu khoảng 10 người trong số họ cùng phát triển khoảng 30 sản phẩm và sử dụng nguồn ngân sách chi cho quảng cáo. Giám đốc Hayashi cho biết: "Chúng tôi đặt mục tiêu mở rộng số lượng cửa hàng của mình lên 1.500 cửa hàng trong 10 năm tới. 

Trong khi đó, Fast Retailing cũng là một cái tên khác được hưởng lợi từ sự thay đổi thị hiếu tiêu dùng đối với các sản phẩm may mặc hàng ngày. 

Jun Kawahara, chuyên gia phân tích cấp cao của hãng tư vấn Daiwa Securities, cho biết với việc mọi người thường không quá cầu kỳ về diện mạo của họ khi làm việc tại nhà, "những thương hiệu quần áo thông dụng như các sản phẩm khô nhanh Airism của Uniqlo đã thu hút được sự chú ý ngày càng cao của người tiêu dùng".

Fast Retailing kỳ vọng lợi nhuận ròng sẽ tăng 83% lên mức kỷ lục 165 tỷ yen (1,6 tỷ USD) trong năm tài chính hiện tại (đến hết tháng 8/2021), và doanh thu đạt 2.200 tỷ yen, tương đương mức tăng 9,5%.

Trong khi đó, các nhà bán lẻ quần áo nam và quần áo sang trọng tiếp tục vật lộn với sự sụt giảm doanh số, vốn đã bắt đầu từ trước đại dịch vì xu hướng lực lượng lao động giảm do dân số Nhật Bản ngày một già đi.

Ngoài ra, nhân viên văn phòng cũng có xu hướng ăn mặc "xuề xòa" hơn kể từ khi chính phủ phát động chiến dịch "cool biz" vào năm 2005, trong đó khuyến khích người đi làm không mặc áo khoác và cà vạt để hạn chế việc sử dụng điều hoà vào mùa Hè.

Năm ngoái, Renown Inc., một nhà sản xuất hàng may mặc sang trọng của Nhật Bản được thành lập vào năm 1902, đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản sau khi bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch, cùng với đó là các thương hiệu quần áo Mỹ như J. Crew và Brooks Brothers. 

Nhận xét về xu hướng phát triển trong lĩnh vực may mặc, chuyên gia Kawahara nói: "Tôi không nghĩ rằng tất cả các nhà may sẽ biến mất, nhưng tôi không biết cuối cùng sẽ còn bao nhiêu cửa hàng có thể tồn tại sau khi người tiêu dùng đã phần nào hướng sự tập trung đến các loại trang phục chức năng". Ngoài ra, chuyên gia này cũng cho rằng trong tương lai gần, ông không nhìn thấy triển vọng cho các nhà bán lẻ hàng may mặc đắt tiền trong những cửa hàng bách hóa. 

Phương Nga (Theo Kyodo)

Năm 2025: Chính phủ đặt mục tiêu GDP tăng ít nhất 8%, GRDP các địa phương bình quân tăng 8 - 10%
Chính phủ yêu cầu nghiên cứu, đánh giá để đề xuất, xem xét việc kéo dài các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất... hỗ trợ tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8%.