|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhật Bản cần cải cách nghề cá

15:26 | 21/03/2019
Chia sẻ
Nhật Bản đã từng là quốc gia có sản lượng khai thác lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, gần đây khai thác thủy sản của Nhật Bản đã suy giảm nghiêm trọn...
Nhật Bản cần cải cách nghề cá - Ảnh 1.

Tài nguyên biển suy giảm nghiêm trọng

Thời gian gần đây, khai thác cá ngừ vây xanh, cá trình, cá thu Đao của Nhật bản đạt sản lượng thấp. Đây không phải là vấn đề trong năm nay mà thực tế là ngoại trừ nguồn lợi cá nổi, sản lượng khai thác của Nhật Bản đã suy giảm liên tục trong hơn 20 năm và đang trên đà giảm về mức 0 vào năm 2050.

Nhật Bản đã từng có ngành khai thác cạnh tranh nhất trên thế giới. Trong 20 năm, từ năm 1972 đến năm 1991, Nhật Bản đứng đầu về khối lượng đánh bắt. Nhưng sản lượng khai thác bắt đầu giảm rõ rệt vào những năm 1990, một phần do sự sụt giảm nhanh chóng sản lượng cá trích. Mặc dù trữ lượng cá trích đã bắt đầu hồi phục phần nào trong những năm gần đây, năng suất khai thác của Nhật Bản vẫn tiếp tục giảm do các nguồn tài nguyên biển khác đang suy giảm trên diện rộng.

Nhật Bản cần cải cách nghề cá - Ảnh 2.

Theo nghiên cứu của Cơ quan Nghiên cứu và Giáo dục Thủy sản Nhật Bản, cơ quan nghiên cứu của Cơ quan Thủy sản, nhiều nguồn tài nguyên biển của Nhật Bản đang ở mức thấp. Trong một cuộc khảo sát của Bộ Nông, Lâm,  Ngư nghiệp về thủy sản, 90% số người được hỏi cho biết họ cảm thấy rằng tài nguyên khan hiếm hơn; chỉ 0,6% tin rằng tài nguyên đang tăng lên. Ngay cả khi Nhật Bản muốn tăng sản lượng đánh bắt, nguồn lợi thủy sản trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản cũng rất ít. Kết quả là sản lượng đánh bắt đang suy giảm, số người hoạt động trong nghề ít hơn và cộng đồng ngư dân đang có xu hướng già hóa.

Cái giá phải trả cho đánh bắt quá mức

Biểu đồ dưới đây thể hiến sự thay đổi trong khối lượng đánh bắt tự nhiên trên toàn thế giới và Nhật Bản. Năng suất của Nhật Bản và toàn cầu đều tăng từ thập niên 1970, nhưng riêng với Nhật Bản, sản lượng khai thác bắt đầu giảm sau thập niên 1990.

Nhật Bản cần cải cách nghề cá - Ảnh 3.

Ở cấp độ toàn cầu, sản lượng đánh bắt cá tự nhiên cao và giữ ổn định. Năng suất nuôi trồng thủy sản đang tăng nhanh ở mức 6% mỗi năm ở các nước khác trên thế giới, nhưng đang giảm ở Nhật Bản. Theo dự báo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc về năng suất thủy sản của các quốc gia khai thác chính, hầu hết các  nước phát triển và đang phát triển đều sẽ tăng năng suất; Nhật Bản là quốc gia duy nhất có sự sụt giảm. Tại sao Nhật Bản, từng là một quốc khai thác lớn, lại có sự suy giảm như vậy? Nhìn lại lịch sử nghề cá Nhật Bản trong thời kỳ hậu chiến có thể có một số câu trả lời.

Chính sách của chính phủ khuyến khích sự phát triển của ngành khai thác như một biện pháp giảm bớt tình trạng thiếu lương thực sau Thế chiến II. Vào thời điểm đó, không có vùng đặc quyền kinh tế và các đội tàu đánh cá của Nhật Bản có thể khai thác cá cách bờ biển của bất kỳ quốc gia nào khác từ 5 đến 8 km. Các vùng biển nằm ngoài khơi của các nước, chủ yếu là các nền kinh tế đang phát triển, không có ngành khai thác phát triển mạnh mẽ.  Ngành khai thác của Nhật Bản được mở rộng theo khẩu hiệu “từ bờ biển đến ngoài khơi; từ ngoài khơi đến đại dương”.

Khai thác tài nguyên một cách bền vững không phải là mục tiêu hàng đầu của ngành khai thác thủy sản Nhật Bản vào thời điểm đó. Các đội tàu sẽ đánh bắt ở nhiều ngư trường cho tới mức cạn kiệt và đánh bắt các loài khác nhau. Chính phủ hỗ trợ phát triển tài nguyên biển chưa khai thác và ngư trường mới. Ở giai đoạn đạt đỉnh, các  đội tàu của Nhật Bản vươn khơi ra các ngư trường giàu tài nguyên ngoài khơi Nam Mỹ, Alaska, New Zealand, Châu Phi và nhiều nơi khác trên thế giới.

Nhật Bản cần cải cách nghề cá - Ảnh 4.

Nhưng bắt đầu từ nửa cuối thập niên 1970, khi các quốc gia có đường bờ biển bắt đầu thiết lập vùng đặc quyền kinh tế kéo dài 200 hải lý (khoảng 370 km) từ bờ biển của họ, Nhật Bản không thể khai thác ở các ngư trường khác. Trong những năm qua, Nhật Bản tiếp tục khai thác ở mọi nơi có thể, làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản trong vùng đặc quyền kinh tế của họ và đẩy ngành khai thác thủy sản đến mức suy thoái.

Áp dụng hạn ngạch để kiểm soát đánh bắt quá mức

Hạn ngạch là yếu tố cần thiết để đảm bảo tính bền vững của tài nguyên biển, nhưng chỉ riêng đặt hạn ngạch là không đủ để quản lý. Trong những ngày đầu, quản lý hạn ngạch chỉ đơn giản là đặt giới hạn cho sản lượng khai thác. Khi đạt đến hạn ngạch được chỉ định, việc đánh bắt sẽ buộc dừng lại. Tuy nhiên, đây lại là mở đầu cho cuộc đua đầu tư các thiết bị với động cơ mạnh hơn để đánh bắt trong giới hạn hạn ngạch. Nhưng việc liên tục nâng cấp thiết bị đã khiến chi phí tăng cao đến mức không thể mang lại lợi nhuận.

Đặt hạn ngạch riêng lẻ có hiệu quả để khắc phục vấn đề này. Việc chỉ định hạn ngạch cho các cá nhân hạn chế cạnh tranh để đánh bắt cá con. Điều này giúp tăng giá trị của sản lượng khai thác và làm cho các doanh nghiệp đánh bắt có lợi hơn.

Các quốc gia đánh cá như New Zealand, Iceland và Na Uy đã đưa ra hạn ngạch cá nhân vào những năm 1980 và đã thành công trong việc phát triển nghề cá thành một ngành công nghiệp. Hệ thống hạn ngạch riêng lẻ cũng đã được Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Pêru và nhiều quốc gia khác áp dụng. Nhật Bản, vẫn chưa áp dụng hạn ngạch riêng lẻ, là ngoại lệ trong khía cạnh này có thể được giải thích việc thất bại của họ do không thể điều tiết hoàn toàn việc khai thác.

Đạo luật nghề cá sửa đổi sau nhiều chờ đợi

Lần đầu tiên sau 70 năm, các sửa đổi của Đạo luật Nghề cá đã được ban hành trong phiên họp bất thường vào tháng 12 năm 2018. Những sửa đổi này cuối cùng đã được chính quyền đặt ra để điều chỉnh hoạt động khai thác.

Điều 1 của Đạo luật nghề cá hiện tại xác định mục đích là thiết lập một hệ thống sản xuất thủy sản cơ bản để tăng năng suất thủy sản và cũng để dân chủ hóa ngành công nghiệp đánh bắt cá.

Đạo luật Nghề cá ban đầu, phản ánh nhu cầu tăng cường sản xuất thực phẩm, bắt nguồn từ thời kỳ thiếu lương thực sau chiến tranh. Trọng tâm chính của nó là phát triển năng suất khai thác tuy nhiên đã  không đề cập đến sự bền vững của nguồn lợi. Luật  này sau đó đã trở nên lỗi thời và không hiệu quả.

Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 đã thừa nhận các quốc gia có quyền thành lập vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý ngoài khơi bờ biển của nước đó. Đồng thời, các quốc gia phải chịu trách nhiệm quản lý tài nguyên biển trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Nhiều quốc gia khai thác đã sửa đổi luật thủy sản của họ tại thời điểm đó để tăng cường khung pháp lý để điều chỉnh ngành khai thác.

Tại Nhật Bản, đạo luật sửa đổi hiện bổ sung thêm các cụm từ “đảm bảo sử dụng bền vững tài nguyên biển” vào mục đích của bộ luật. Điều 6 nói thêm rằng chính phủ có trách nhiệm bảo tồn và quản lý tài nguyên biển, như sau: Để phát triển năng suất khai thác thủy sản, chính quyền trung ương, cùng với các quận, phải chịu trách nhiệm bảo tồn và quản lý tài nguyên biển một cách thích hợp và sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn và giải quyết tranh chấp về việc sử dụng ngư trường.

Ngoài ra, hạn ngạch, hiện chỉ áp dụng cho 8 loài, sẽ được mở rộng sang các loài khác và chính phủ cũng sẽ giới thiệu hệ thống hạn ngạch riêng cho tất cả các nghề khai thác. Để phát triển nghề cá của mình, cuối cùng Nhật Bản đã chấp nhận theo hệ thống mà các quốc gia khai thác phát triển khác đang áp dụng.

Về diện tích, Nhật Bản có vùng đặc quyền kinh tế ( EEZ) lớn thứ 6 thế giới. Nếu Nhật Bản có thể khai thác tài nguyên biển một cách bền vững, họ có thể lấy lại vị trí của mình trong số các quốc gia đánh cá hàng đầu thế giới. Đạo luật nghề cá sửa đổi là một bước theo hướng đó, nhưng trước mắt là nhiều thử thách. Hạn ngạch đã được đưa ra cho cá ngừ vây xanh. Tuy nhiên, một số ngư nhân cá lẻ đã cố tình khai thác vượt quá lượng hạn ngạch được phân bổ. Do đó, tất cả hoạt động đánh bắt cá ngừ vây xanh đã bị ngừng lại trong 6 năm. Sự trừng phạt này không chỉ ảnh hưởng những người vi phạm mà cả những người khác tuân thủ và khai thác đúng theo hạn ngạch, dẫn đến những vụ khiếu kiện lên chính phủ. Luật sửa đổi là một sự khởi đầu, nhưng vẫn còn phải chờ xem việc thực thi hiệu quả như thế nào.

Sẽ có cơ chế đặc thù về đầu tư dịch vụ hậu cần nghề cáSẽ có cơ chế đặc thù về đầu tư dịch vụ hậu cần nghề cá Khắc phục Khắc phục 'thẻ vàng' IUU: Phát triển nghề cá theo thông lệ quốc tế Kỹ sư công nghệ kiếm hàng tỷ đồng mỗi năm với mô hình nuôi cá lồng bèKỹ sư công nghệ kiếm hàng tỷ đồng mỗi năm với mô hình nuôi cá lồng bè

Công Minh