|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

VASEP: Nguồn cung cá ngừ trong nước giảm sẽ kìm hãm xuất khẩu

14:16 | 23/07/2024
Chia sẻ
Xuất khẩu vẫn tăng là do lượng cá ngừ vằn nguyên liệu dự trữ tại các doanh nghiệp đã được cấp giấy xác nhận vẫn còn, tuy nhiên lượng nguyên liệu dự trữ này cũng đang cạn dần.

 

Số liệu báo cáo mới đây từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam ( VASEP) cho biết, xuất khẩu các nhóm mặt hàng cá ngừ của Việt Nam tính lũy kế 6 tháng đầu năm 2024 đều đang tăng so với cùng kỳ.

Trong tháng 6, các sản phẩm thịt/loin cá ngừ đông lạnh đạt hơn 44 triệu USD, tăng 29% so với cùng kỳ, và có xu hướng ngày càng tăng. Đây là mức cao nhất từ đầu năm nay với mặt hàng này. Trong khi đó, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp lại giảm, giá trị xuất khẩu trong tháng trước chỉ đạt hơn 17 triệu USD, giảm 11%.

Về thị trường, Mỹ, Irasel và khối EU vẫn tiếp tục tăng trong tháng 6, lần lượt là 18%, 50% và 56%. Cùng với đó, xuất khẩu cá ngừ sang Nga đang tăng phi mã ở mức 3 con số trong tháng 6. Với sự tăng trưởng cao liên tục từ đầu năm, Nga đang trở thành 1 trong 5 thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam.

Trái với tình hình xuất khẩu sôi động trên, xuất khẩu sang khối thị trường các nước tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) giảm trong tháng 6. Giá trị xuất khẩu sang khối thị trường này trong tháng 6 chỉ đạt gần 9 triệu USD, giảm 12%.

Hiện tại, nhu cầu của các thị trường đang ngày càng tăng vì để chuẩn bị cho dịp lễ cuối năm, và đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, theo VASEP, các doanh nghiệp đang khó có thể duy trì được đà tăng trưởng vì một số quy định mới trong Luật Thuỷ sản ban hành hồi tháng 4.

Trong đó nêu, kích cỡ tối thiểu của cá ngừ vằn cho phép khai thác hiện nay quy định là 0,5m (tương đương trọng lượng từ 5kg đến 7kg). Tuy nhiên sản lượng cá ngừ đạt kích cỡ này thực tế rất thấp. Vậy nên, khi nghị định có hiệu lực, tất cả cảng cá không thể cấp xác nhận nguyên liệu đối với cá ngừ vằn nhỏ hơn kích cỡ khai thác này, khiến cho nguồn cung cá ngừ vằn trong nước giảm. Đồng nghĩa với đó, doanh nghiệp không có nguồn nguyên liệu có xuất xứ thuần túy để sản xuất.

Hiện tại, xuất khẩu vẫn tăng là do lượng cá ngừ vằn nguyên liệu dự trữ tại các doanh nghiệp đã được cấp giấy xác nhận vẫn còn, tuy nhiên, lượng nguyên liệu dự trữ này cũng đang cạn dần. Doanh nghiệp sẽ phải gia tăng nhập khẩu từ nguồn cung ngoài nước. Thế nhưng, 6 tháng cuối năm thường là thời gian doanh nghiệp phải tăng cường sản xuất cho các đơn hàng xuất khẩu sang các thị trường lớn.

Bên cạnh đó, quy định về bảo tồn của EU không đề cập kích thước tối thiểu của cá ngừ vằn mà chỉ áp dụng với một số loài nhạy cảm; kích thước tối thiểu cũng thay đổi khác nhau tùy từng vùng biển và nguồn lợi tại khu vực đó. EU bảo vệ nguồn lợi thủy sản bằng biện pháp quy định hạn ngạch, thời gian cấm biển… chứ không chỉ quy định bằng kích thước tối thiểu được khai thác. Các tàu cá của nước ngoài vẫn đánh bắt cá ngừ vằn dưới 1,5 kg và vẫn được cấp chứng nhận thủy sản khai thác.

Vậy nên, VASEP kiến nghị, các bộ ban ngành liên quan sớm xem xét và đề án tháo gỡ vướng mắc khó khăn này cho doanh nghiệp.

"Nếu Việt Nam không nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc khó khăn này cho doanh nghiệp, thì chẳng mấy chốc chúng ta sẽ bị mất thị trường xuất khẩu", VASEP cho biết.

Hồng Nhung

Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, Hà Nội gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết Hải Phòng – Quảng Ninh gió mạnh nhất còn kéo dài đến khoảng 19h ngày 7/9, sau giảm nhanh; Thái Bình – Nam Định gió mạnh nhất từ khoảng 16-22h; Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9.