|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhập khẩu tôm của Mỹ tiếp tục giảm sâu do dư thừa nguồn cung

16:44 | 17/04/2023
Chia sẻ
Nhập khẩu tôm của Mỹ tiếp tục quan trong tháng 2 trong bối cảnh nguồn cung vẫn dư thừa, theo dữ liệu của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA).

Trang Undercurrent News dẫn số liệu của NOAA cho thấy trong tháng 2, Mỹ nhập khẩu 53.053 tấn tôm, trị giá 429 triệu USD trong tháng 2/2023, giảm 20% về lượng và 33% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. 

Nếu so sánh với tháng 1, khối lượng nhập khẩu thấp hơn 23% và giá trị thấp hơn 27%. 

 Nguồn: Undercurrent News (Việt hoá: H.Mĩ)

Tháng 2 thường là thường là giai đoạn thấp điểm nhập khẩu tôm của Mỹ do trùng với kỳ nghỉ lễ, nhưng những con số mới nhất tiếp tục thể hiện xu hướng đáng lo ngại. Mỹ đã chứng kiến khối lượng nhập khẩu giảm 10 tháng liên tiếp kể từ tháng 4/2022. 

Giá tôm cũng tiếp tục giảm. Giá trung bình tôm nhập khẩu trong tháng 2 khoảng 8 USD/kg, thấp hơn 16% so với cùng kỳ năm ngoái và thấp hơn 5% so với tháng 1. Đây cũng là tháng thứ 6 liên tiếp ghi nhận giá tôm nhập khẩu giảm.

Giá tôm nhập khẩu tại Mỹ từ một số quốc gia trong tháng 2/2023 (Số liệu: NOAA, Undercurrent News, H.Mĩ tổng hợp)

Hầu hết quốc gia xuất khẩu tôm sang Mỹ đều sụt giảm mạnh

Dữ liệu từ NOAA cho thấy 9 trong 10 nguồn tôm hàng đầu của Mỹ trong tháng 2 có khối lượng giảm ít nhất 5% so với cùng kỳ và giá trị cũng giảm ít nhất 19%. 

6 nguồn cung lớn nhất cho Mỹ đều có mức giảm khá lớn trong đó Ấn Độ (giảm 14% về lượng và 28% về giá trị) Ecuador (giảm 5% về lượng và 19% về giá trị), Việt Nam (giảm 50 về lượng, 53% về giá trị)…

 Số liệu: NOAA, Undercurrent News (H.Mĩ tổng hợp)

Trung Quốc là nguồn cung cấp tôm lớn thứ 9 cho Mỹ trong tháng 2, chứng kiến sự sụt giảm lớn nhất với 208 tấn, trị giá 1,2 triệu USD, giảm 64% về lượng và 66% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá tôm trung bình nhập khẩu từ nước này giảm 4% so với cùng kỳ xuống 5,6 USD/kg. 

Tuy nhiên, Honduras là quốc gia hiếm hoi ghi nhận lượng tôm xuất khẩu sang Mỹ tăng đột biến. Họ đã xuất khẩu 221 tấn tôm, trị giá 1,9 triệu USD sang Mỹ, tăng 342% về lượng và tăng 395% về giá trị so với cùng kỳ. 

Ấn Độ tiếp tục đứng đầu trong top nguồn cung tôm của Mỹ

Bất chấp đà tăng liên tục của Ecuador, Ấn Độ vẫn là nguồn cung tôm lớn nhất cho Mỹ trong tháng 2, chiếm 37% thị phần với 19.567 tấn, trị giá 157 triệu USD. Con số này giảm 14% về lượng và giảm 28% về giá trị so với cùng kỳ. 

Giá tôm trung bình Mỹ nhập khẩu từ Ấn Độ cũng giảm mạnh 16% so với tháng 2/2022 xuống 8 USD/kg.

Ecuador là nguồn cung tôm lớn thứ hai cho Mỹ chiếm 29% thị phần. Quốc gia này đã xuất khẩu 15.382 tấn tôm, trị giá 101,3 triệu USD sang Mỹ trong tháng 2, giảm 5% về lượng và 19% về giá trị so với một năm trước đó. 

   Số liệu: NOAA, Undercurrent News (H.Mĩ tổng hợp)

Việt Nam đứng thứ 4 trong số các quốc gia xuất khẩu tôm sang Mỹ trong tháng 2 với lượng 2.423 tấn, kim ngạch đạt 25,3 triệu USD giảm 50% về lượng và 53% về giá trị. Giá tôm đạt mức 10,46 USD/tấn, giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái.  

Trong khi thị phần của hai đối thủ dẫn dầu là Ấn Độ và Ecuador được nới rộng 2 - 5 điểm phần trăm thì thị phần của Việt Nam giảm từ 7% của tháng 2/2022 xuống 5% trong tháng 2 năm nay. 

 Số liệu: NOAA, Undercurrent News (H.Mĩ tổng hợp)

 Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) xuất khẩu tôm giảm mạnh trong tháng 2 do nhu cầu chững lại, lạm phát cao và tồn kho tại Mỹ còn nhiều. 

"Các tháng cuối năm 2022 và kéo sang đầu năm nay, lạm phát toàn cầu tăng cao, bất ổn kinh tế thế giới, nhu cầu tiêu thụ tôm giảm sút. Cạnh tranh giữa tôm Việt Nam với Ecuador và Ấn Độ năm nay cũng gay gắt hơn khi sản lượng tôm của Ecuador năm 2023 dự kiến tăng lên 1,5 triệu tấn. Giá tôm nhập khẩu trên thị trường thế giới giảm dần từ cuối năm 2022 và dự báo tiếp tục giảm thêm khi nguồn cung toàn cầu năm 2023 dự kiến tăng” VASEP cho biết. 

Hiệp hội kỳ vọng uất khẩu tôm Việt Nam các tháng tới sẽ khá hơn khi tồn kho tại Mỹ giảm bớt, tình hình kinh tế thế giới chuyển biến tích cực. Ngoài ra, Hội chợ Thủy sản Bắc Mỹ diễn ra vào 12/3 cũng được kỳ vọng sẽ giúp tăng doanh số xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ và cả các thị trường khác trên thế giới.

H.Mĩ