|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhập khẩu thịt heo giảm mạnh

08:15 | 11/03/2024
Chia sẻ
Nhập khẩu thịt heo của Việt Nam trong tháng 1 giảm 23% về lượng và giảm 25,2% về trị giá so với tháng 12/2023.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết tháng 1, Việt Nam nhập khẩu 5.860 tấn thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, trị giá 13 triệu USD, giảm 23% về lượng và giảm 25,2% về trị giá so với tháng 12/2023.

Tuy nhiên so với cùng kỳ, tăng 19,2% về lượng và tăng 12,5% về trị giá.

Giá nhập khẩu trung bình đạt 2.221 USD/tấn, giảm 3% so với tháng 12/2023 và giảm 5,6% so với tháng 1/2023.

Tháng 1, Việt Nam nhập khẩu thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh từ 14 thị trường, trong đó chủ yếu được nhập khẩu từ Brazil (chiếm 44,63% trong tổng lượng nhập khẩu của cả nước ); Nga (chiếm 25,3%); Canada chiếm (8,36%). Trừ Nga, lượng thịt lợn nhập khẩu từ các thị trường này đều tăng mạnh so với tháng 1/2023. 

Trước đó trong năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 112.600 tấn thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, trị giá 279,8 triệu USD, giảm 2% về lượng, nhưng tăng 12% về trị giá so với năm 2022. Trừ Nga và Mỹ, lượng thịt heo nhập khẩu từ các thị trường còn lại về Việt Nam đều giảm so với năm 2022. 

 

 

Cục Xuất nhập khẩu mới đây cũng dẫn báo cáo quý I/2024 của Ngân hàng Rabobank cho biết, dự báo sản lượng thịt heo toàn cầu trong năm 2024 sẽ giảm do đàn heo nái ở các vùng sản xuất chính giảm.

Xu hướng này dự kiến sẽ dẫn đến sản lượng sụt giảm hoặc không thay đổi trong suốt năm 2024, cùng với áp lực dịch bệnh làm tăng thêm thách thức cho ngành. Bất chấp những khó khăn về sản xuất, vẫn có một điểm sáng khi giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục giảm.

Trong khi đó, tiêu thụ thịt heo vẫn ổn định. Năm 2024, một số khu vực đang phát triển sẽ tiếp tục giảm đàn heo nái với tốc độ giảm khác nhau. Trung Quốc, Mỹ và một số nước châu Âu có thể sẽ chứng kiến sản lượng giảm, hoặc duy trì trong năm 2024 do đàn heo nái của họ thấp hơn vào cuối năm 2023.       

Áp lực dịch bệnh sẽ càng làm giảm triển vọng sản xuất trên toàn cầu. Những thách thức khác như tỷ suất lợi nhuận âm, cung vượt cầu và nhu cầu yếu, cũng là những yếu tố quan trọng dẫn đến việc giảm đàn heo tồn. Trong khi đó, năng suất sẽ tiếp tục được cải thiện vào năm 2024, nhờ tiến bộ di truyền, quản lý trang trại tốt hơn và chiến lược giảm chi phí.

Anh Đào