|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhập khẩu than giảm mạnh, nhà máy nhiệt điện 'đói' nhiên liệu

20:47 | 11/02/2023
Chia sẻ
Trong tháng 1/2023, Việt Nam nhập khẩu khoảng 1,7 triệu tấn, giảm 38% so với tháng 12/2022 và giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, giá than nhập khẩu vẫn ở mức cao, ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà máy nhiệt điện.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan trong tháng 1/2023, Việt Nam nhập khẩu khoảng 1,7 triệu tấn, tương đương hơn 272 triệu USD, giảm 38% về lượng và giảm 45% về kim ngạch so với tháng 12/2022. Nhập khẩu than về Việt Nam trong tháng này giảm mạnh do trùng vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

 

 (Số liệu: Tổng cục Hải quan, Biểu đồ: Hoàng Anh)

Biểu đồ cho thấy giá than nhập khẩu trong tháng Một khoảng 161 USD/tấn, giảm 31% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là tháng thứ 6 liên tiếp, giá than nhập khẩu về Việt Nam ở mức dưới 200 USD/tấn.

Trong tháng đầu năm 2023, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu than từ ba thị trường chính gồm Australia với 962 nghìn tấn, chiếm 57% tổng lượng nhập khẩu than; Indonesia với 580 nghìn tấn, chiếm 34%; Nga với 100 nghìn tấn, chiếm 6%.

(Số liệu: Tổng cục Hải quan, Biểu đồ: Hoàng Anh) 

Trước đó năm 2022, Việt Nam nhập khẩu gần 32 triệu tấn than, tương đương gần 7,2 tỷ USD, giảm 12% về lượng nhưng tăng 60% về giá trị so với năm 2021. Giá than nhập khẩu trung bình trong năm 2022 khoảng 218 USD/tấn.

Trong văn bản gửi Bộ Công Thương mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết đang phải điều chỉnh kế hoạch nhập khẩu than cho phù hợp với nhu cầu vận hành thực tế của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4.

Trong cả năm 2022, chiến sự giữa Nga – Ukraine khiến giá than nhập khẩu tăng rất cao (chỉ số giá than Newc thường xuyên duy trì ở mức xấp xỉ 400 USD/tấn) dẫn đến nhà máy Vĩnh Tân 4 được huy động rất thấp, tương ứng với khối lượng than nhập khẩu thấp hơn so với kế hoạch.

Đến nay, giá than nhập khẩu phụ thuộc hoàn toàn vào các biến động của thị trường than quốc tế và công tác dự báo gặp rất nhiều khó khăn, dẫn đến việc lập kế hoạch vận hành của các nhà máy sử dụng than nhập khẩu biến động rất lớn.

EVN dự kiến thời gian tới, giá than nhập khẩu tiếp tục giữ ở mức cao, ảnh hưởng nhiều tới khả năng huy động nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 cũng như các nhà máy sử dụng than nhập khẩu nói chung trên thị trường điện.

“Giá than nhập khẩu tiếp tục giữ ở mức cao, ảnh hưởng nhiều tới khả năng huy động nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 cũng như các nhà máy sử dụng than nhập khẩu nói chung trên thị trường điện”, EVN dự báo.

Đối với các nhà máy sử dụng nguồn than trong nước như nhiệt điện Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghi Sơn 1, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1, các nhà cung cấp than cung ứng không đúng kế hoạch, ảnh hưởng đến việc sản xuất điện.

"Dự kiến trong năm 2023, nếu tình hình cấp than cho sản xuất điện không được cải thiện, trong khi nhu cầu sử dụng than tăng so với năm 2022 do Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 mới đưa vào vận hành, khả năng thiếu than cho sản xuất điện là hiện hữu", EVN cho biết.

Để đảm bảo than cho sản xuất điện trong năm 2023, đặc biệt là mùa khô sắp tới, EVN đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo TKV và Tổng công ty Đông Bắc ưu tiên cung cấp than cho nhà máy nhiệt điện, đồng thời, yêu cầu các đơn vị cấp than tuân thủ đúng các điều khoản tại các hợp đồng than các bên đã ký kết.

Hoàng Anh

[LIVE] ĐHĐCĐ Nam Long: Doanh số quý I ước đạt 1.160 tỷ đồng, có thể đưa ra thị trường 15.000 sản phẩm trong ba năm tới
HĐQT Nam Long định hướng phát triển trong năm 2024 tập trung vào dòng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền và hợp với nhu cầu thị trường, mục tiêu bán trên 3.100 sản phẩm với doanh số kỳ vọng đạt 9.554 tỷ đồng.