Nhập khẩu gần 1,2 triệu tấn điều thô trong 4 tháng đầu năm 2021
Theo số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê, trong tháng 4/2021, các doanh nghiệp chế biến điều trong nước đã nhập khẩu 480 nghìn tấn hạt điều với trị giá 772 triệu USD, tương đương tháng 3/2021 nhưng tăng mạnh 375% về lượng cũng như 470,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã nhập khẩu tổng cộng gần 1,2 triệu tấn hạt điều với trị giá lên tới 1,9 tỷ USD, tăng 300% về lượng và tăng 323,5% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, lượng điều thô nhập khẩu sau 4 tháng đầu năm nay đã gần bằng tổng nhập khẩu trong cả năm 2020 (1,45 triệu tấn) trong khi kim ngạch đã cao hơn do giá điều nguyên liệu tăng.
Hiệp hội Điều Việt Nam dự kiến lượng hạt điều nhập khẩu trong năm 2021 đạt 1,8 triệu tấn. Nhưng với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, con số nhập khẩu có thể cao hơn.
Nguồn: Số liệu từ Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thống kê. (Biểu đồ: Ngọc Bảo)
60% nguồn cung điều thô đến từ Campuchia
Còn theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Campuchia là nguồn cung điều thô lớn nhất cho Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2021, đạt 424,7 nghìn tấn, tăng 373,6% so với cùng kỳ năm 2020 và chiếm đến 60% tổng khối lượng hạt điều nhập khẩu của nước ta.
Lượng điều thô nhập khẩu từ các thị trường châu Phi như Tanzania, Bờ Biển Ngà, Gana, Nigiêria cũng tăng rất mạnh trong những tháng đầu năm nay.
Đáng chú ý, trong khi giá nhập khẩu điều thô từ hầu hết các thị trường đều giảm thì giá điều thô nhập khẩu từ Campuchia về Việt Nam trong quý I/2021 tăng mạnh 26,2% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn mức giá nhập khẩu từ 1.280 – 1.432 USD/tấn của các thị trường khác.
Trong quý I/2021, giá nhập khẩu bình quân từ Tanzania giảm 8,9% so với quý I/2020, Bờ Biển Ngà giảm 30,4%, Gana giảm 17,7%, Indonesia giảm 14,6%, Nigiêria giảm 22,1%.
Tại Campuchia, trong khi nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của nước này gặp khó khăn do tình trạng thiếu container và cước tàu biển tăng cao thì xuất khẩu hạt điều lại không bị ảnh hưởng bởi tình trạng này.
Suy Kokthean, Giám đốc kinh doanh của Hiệp hội Điều Campuchia có trụ sở tại tỉnh Kampong Thom cho biết, nông dân trồng điều Campuchia phụ thuộc phần lớn vào xuất khẩu sang Việt Nam bằng đường bộ, vì vậy họ không bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu container.
Nhưng việc chỉ xuất khẩu sang một thị trường không giúp nông dân có được giá tốt hơn (giá điều bán ra của nông dân vào khoảng 1,25 USD/kg).
Bởi nếu không có dịch COVID-19, giá hạt điều có thể cao hơn nhờ những người mua từ Ấn Độ và Nhật Bản, những người đã liên hệ với Hiệp hội Điều Campuchia để mua hạt điều, nhưng do dịch bệnh đã khiến các giao dịch không được diễn ra.
Nguồn: Số liệu từ Tổng cục Hải quan. (Biểu đồ: Ngọc Bảo)
Chủ động nguồn cung nguyên liệu chế biến khi nhu cầu tiêu thụ thế giới tiếp tục tăng cao
Trong những năm gần đây, việc thiếu hụt nguồn nguyên liệu trong nước vẫn luôn là bài toán khó đối với các đơn vị chế biến hạt điều.
Giữa năm 2020 đã có không ít nhà máy chế biến hạt điều quy mô vừa và nhỏ đã phải tạm dừng sản xuất hoặc giảm công suất, không mua thêm nguyên liệu do giá điều thô quá cao so với giá nhân điều có thể bán được.
Do đó, việc tăng cường nguồn nguyên liệu ngay từ những tháng đầu năm nay cho thấy các doanh nghiệp đã chủ động hơn về nguồn nguyên liệu ngay cả khi giá nhập vào tăng và giá bán ra thì chưa có nhiều cải thiện.
Tính toán từ số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, giá nhập khẩu bình quân hạt điều thô trong 4 tháng đầu năm 2021 ước khoảng 1.580 USD/tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Ngược lại, giá xuất khẩu bình quân hạt điều trong 4 tháng đầu năm 2021 giảm 14,7%, ước đạt 5.875 USD/tấn.
Nhập khẩu điều thô tăng một phần là do diễn biến thời tiết bất thường khiến vụ thu hoạch điều trong nước đến chậm hơn một tháng và mưa lớn tại các tỉnh trồng điều như Bình Phước, Đồng Nai… vào đúng vụ thu hoạch khiến người dân không thể phơi làm ảnh hưởng đến chất lượng hạt điều.
Đây cũng là nguyên nhân khiến giá thu mua hạt điều tươi tại Bình Phước tại thời điểm ngày 27/4/2021 đạt khoảng 19.000 đồng/kg, giảm 6.000 đồng/kg so với đầu tháng 4/2021; giá điều W240 và W320 cũng giảm 3.000 đồng/kg trong tháng qua, xuống còn 27.000 – 29.000 đồng/kg.
Trong khi đó, xuất khẩu hạt điều tiếp tục tăng trưởng tích cực đang mang tới nhiều kỳ vọng cho ngành điều trong năm nay.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê , xuất khẩu hạt điều của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2021 ước đạt 152 nghìn tấn, trị giá 894 triệu USD, tăng 8,6% về lượng nhưng giảm 7,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Với mức tăng trưởng liên tục kể từ năm 2020 đến nay, hạt điều là một trong số ít các mặt hàng nông sản không bị sụt giảm nhu cầu trước tác động của đại dịch COVID-19.
Liên minh điều châu Phi (ACA) kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ điều toàn cầu sẽ tiếp tục tăng mạnh vào năm 2021, đặc biệt là ở châu Âu và châu Mỹ.
Tại Mỹ - thị trường nhập khẩu điều lớn nhất thế giới, đã kết thúc năm 2020 với mức tăng trưởng 8%, cao nhất trong 10 năm và dự kiến sẽ tiếp tục khả quan vào năm 2021.
Thị trường hạt điều châu Âu cũng có mức tăng trưởng đáng kinh ngạc 17% về nhu cầu tiêu thụ trong năm 2020, sau mức tăng trưởng 15% trong năm 2019. Tiêu thụ hạt điều tại châu Âu đã tăng từ 140.000 tấn của năm 2019 lên hơn 160.000 tấn vào năm 2020 và dự kiến sẽ vẫn mạnh vào năm 2021.
Tại Ấn Độ, nhu cầu và tiêu thụ trong năm 2019 ở mức 300.000 tấn và giảm nhẹ vào năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, ACA cho rằng thị trường Ấn Độ sẽ phục hồi trở lại vào năm 2021.