|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhập 11 triệu tấn sắt thép từ Trung Quốc và hệ quả

10:00 | 23/01/2017
Chia sẻ
Trung Quốc hiện là nước dẫn đầu về khối lượng xuất khẩu thép vào Việt Nam với gần 10 triệu tấn, chiếm gần 60% lượng thép nhập khẩu.

Theo thống kê chính thức của Tổng cục Hải quan, năm 2016 Việt Nam đã nhập khẩu hơn 22 triệu tấn sắt thép các loại, trị giá gần 11 tỉ USD, tăng 18,4% về lượng và 7,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, kim ngạch thép xuất khẩu các loại chỉ khiêm tốn ở mức 3,9 tỉ USD.

Sắt thép các loại trong năm 2016 chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc với 10,85 triệu tấn, trị giá hơn 4,45 tỉ USD, tăng 14,25% về lượng so với năm trước; Nhật Bản đạt gần 2,64 triệu tấn, trị giá gần 1,19 tỉ USD; Hàn Quốc đạt hơn 1,8 triệu tấn, trị giá gần 1,01 tỉ USD.

nhap 11 trieu tan sat thep tu trung quoc va he qua
Năm 2016 Việt Nam đã nhập khẩu hơn 22 triệu tấn sắt thép các loại

Theo các chuyên gia, điều đáng chú ý là nhập khẩu của ngành thép trong năm 2016 tăng mạnh so với năm 2015, cả với các mặt hàng mà Việt Nam còn dư khả năng sản xuất như:

Phôi thép (nhập khẩu hơn 1,1 triệu tấn); tôn mạ và sơn phủ màu hơn 1,8 triệu tấn, tăng 30,7% so với năm 2015 và chiếm tới trên 50% thị phần nội địa; thép hợp kim nhập khẩu hơn 8,1 triệu tấn; trong đó có khoảng 1,9 triệu tấn thép dài có thể đã được sử dụng như thép xây dựng thông thường...

Trung Quốc hiện là nước dẫn đầu về khối lượng xuất khẩu thép vào Việt Nam với gần 10 triệu tấn, chiếm gần 60% lượng thép nhập khẩu.

Theo báo cáo tổng kết từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tổng các loại sản phẩm thép sản xuất năm 2016 của VN chỉ đạt 17,5 triệu tấn.

Về xuất khẩu, sắt thép Việt Nam vấp phải hàng chục vụ kiện phòng vệ thương mại của các nước từ Mỹ, Canada, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia,... Các sản phẩm thép nước ta chủ yếu được xuất khẩu sang các nước trong khối ASEAN và Hoa Kỳ.

Trước việc thép nhập khẩu ồ ạt, đầu tháng 3/2016, Bộ Công thương đã ra quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam với mức thuế tự vệ lần lượt là 15,4% đối với thép dài và 23,3% đối với phôi thép.

Tuy nhiên, thép ngoại đã tìm được cách lách khác khi nhanh chóng kê khai mặt hàng thép dây cuộn (hay còn gọi là thép cuộn - một trong những sản phẩm thuộc đối tượng áp thuế tự vệ thương mại) sang mã HS khác.

Theo thống kê, trước khi Bộ Công thương áp thuế tự vệ, thép dây cuộn nhập khẩu được kê khai vào mã 7227.90.00 là thép cuộn hợp kim có chứa nguyên tố Bo hoặc Crom, Titan… để hưởng thuế 0%.

Sau khi áp thuế tự vệ, lượng nhập khẩu thép cuộn mã này giảm mạnh do bị áp thuế tự vệ 15,4%. Trong 10 tháng của năm 2016, lượng nhập chỉ bằng 58% so với cả năm 2015.

Hệ quả

Mới đây, Bộ Thương mại Mỹ đã tiến hành điều tra chính thức vào ngày 7/11/2016 về việc các công ty Trung Quốc chuyển thép qua Việt Nam nhằm tránh mức thuế cao khi xuất khẩu sang Mỹ.

Cơ sở mà Bộ thương mại Mỹ đưa ra là lượng thép cuộn cán nguội và tấm mạ kẽm xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm rõ rệt nhưng lượng xuất khẩu sản phẩm này từ Việt Nam sang Mỹ lại tăng lên đột biến.

Trước đó, đại diện Cục quản lý cạnh tranh cũng đã phải làm việc với các nước EU để làm rõ tình trạng thép Trung Quốc mạo danh thép Việt xuất khẩu vào các nước này.

Thông tin từ Cơ quan chống gian lận thương mại thuộc Ủy ban châu Âu (OLAF) nghi ngờ số lượng thép trị giá khoảng 19 triệu USD là của doanh nghiệp Trung Quốc bán vào Việt Nam, rồi để doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang EU với giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) Việt Nam nhằm tránh thuế chống bán phá giá.

Theo đại diện cục này, nếu có tình trạng trên thì doanh nghiệp thép Trung Quốc sẽ được hưởng lợi lớn khi né được thuế chống bán phá giá. Trong khi đó, thương hiệu thép Việt khi xuất khẩu sang thị trường EU lại bị nghi ngờ dẫn đến bị điều tra oan, mất uy tín trên thị trường thế giới.

Trước vấn đề này, trao đổi với Đất Việt, PGS. TS. Nguyễn Sơn Lâm - Bộ môn Kỹ thuật Gang Thép - ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, không chỉ riêng gì Việt Nam mà nhiều nước khác khi xuất khẩu thép vào thị trường Mỹ cũng gặp khó khăn khi bị phía các doanh nghiệp nước này kiện cáo.

Lấy ví dụ thực tế từ Trung Quốc, PGS.TS Lâm chỉ rõ, Mỹ đã ban hành lệnh áp thuế với Trung Quốc với mức thuế chống bán phá giá là 199,4% và mức thuế chống trợ cấp là 241,4%.

''Đây là chiến lược của mỗi quốc gia. Họ phải bảo vệ các doanh nghiệp trong nước khi nhiều nước cùng xuất khẩu mặt hàng thép vào thị trường Mỹ. Không chỉ Việt Nam mà các nước khác cũng cần phải tìm cách để giải quyết tình trạng này'', PGS.TS Lâm nhấn mạnh.

Ông Lâm nhận định, Việt Nam hoàn toàn có đủ khả năng sản xuất ra thép cán nguội nhờ áp dụng công nghệ và kỹ thuật khá cao.

''Nhà máy thép SENDO ở Vũng Tàu hay một số nhà máy thép khác ở miền Bắc, trong đó có Hòa Phát đã sản xuất được thép cán nguội sau khi nhập nguyên liệu từ nước ngoài rồi tiến hành cán mỏng.

Vì vậy với việc các doanh nghiệp Mỹ kiện chống phá giá với thép Việt Nam, tôi cho rằng Hiệp hội thép cần phải đứng ra bảo vệ các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần phải chứng minh được tự bản thân sản xuất thép chứ không phải nhập thép từ Trung Quốc về rồi bán sang Mỹ'', TS Lâm nêu quan điểm.

Theo PGS.TS Lâm, trong bối cảnh hiện nay, nếu phía Việt Nam không làm tới cùng thì chắc chắn sau này các doanh nghiệp trong nước sẽ gặp thêm nhiều khó khăn trong việc tìm cách xuất khẩu thép vào thị trường Mỹ.

''Nếu có đầy đủ hồ sơ, bằng chứng thì Việt Nam hoàn toàn có thể bác bỏ những cáo buộc và đơn kiện từ phía Mỹ'', PGS.TS Lâm khẳng định.

Hà Anh