Nhân tố Trung Quốc chi phối thị trường dầu mỏ
Vào lúc 13 giờ 56 phút (theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent Biển Bắc giảm 15 xu Mỹ, xuống còn 73,56 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 14 xu, dừng ở mức 69,32 USD/thùng. Tính chung trong cả tháng 5/2023, giá dầu Brent (hợp đồng giao tháng 7/2023) và dầu WTI đã giảm lần lượt là hơn 7% và 9%.
Trong tháng 5/2023, hoạt động chế tạo của Trung Quốc bị thu hẹp nhanh hơn tiên lượng do nhu cầu yếu. Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) chính thức của lĩnh vực chế tạo - thước đo chủ chốt đối với sản lượng của các nhà máy - đã giảm xuống 48,8 trong tháng 5/2023, nằm dưới mốc 50 điểm - mốc phân tách giữa tăng trưởng và thu hẹp.
Con số này theo sau mức giảm 49,2 trong tháng 4/2023, đảo ngược xu hướng tăng trưởng của ba tháng liên tiếp và thấp hơn so với mức ước tính trung bình 49,5 của các nhà kinh tế tham gia cuộc khảo sát của hãng tin Bloomberg.
Tại Mỹ, các nhà đầu tư vẫn thận trọng trước thông tin Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã đạt được thoả thuận sơ bộ nâng trần nợ và cắt giảm một số mục chi tiêu liên bang. Chuyên gia phân tích năng lượng của ngân hàng DBS, Suvro Sakar, dự báo kết quả bỏ phiếu của Quốc hội Mỹ sẽ chi phối hướng đi của thị trường dầu.
Thời hạn chót của thoả thuận nâng trần nợ của Mỹ gần như trùng với thời điểm Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (OPEC+) sẽ nhóm họp.
Vào tuần trước, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman đã bóng gió ám chỉ khả năng OPEC+ sẽ cắt giảm hơn nữa sản lượng dầu. Trong khi đó, các bình luận từ giới chức Nga, bao gồm cả Phó Thủ tướng Alexander Novak, cho thấy nhà sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới đang nghiêng về phương án giữ nguyên sản lượng.
Hồi tháng Tư, Saudi Arabia và các thành viên khác của OPEC+ thông báo cắt giảm sản lượng dầu thêm khoảng 1,2 triệu thùng mỗi ngày. Quyết định đó đã nâng tổng khối lượng cắt giảm sản lượng của OPEC+ lên 3,66 triệu thùng/ngày.