Giá dầu giảm dù triển vọng nguồn cung khan hiếm và nhu cầu mạnh
IEA nhận định sự bi quan hiện nay trên thị trường là trái ngược với khả năng cán cân cung cầu thắt chặt hơn trong nửa cuối năm, khi nhu cầu vượt gần 2 triệu thùng/ngày so với nguồn cung.
IEA nâng dự báo nhu cầu dầu toàn cầu 200.000 thùng/ngày, lên 102 triệu thùng/ngày trong năm nay, nhấn mạnh đà phục hồi của kinh tế Trung Quốc vượt dự kiến sau khi nước này dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát dịch, với nhu cầu đạt mức kỷ lục 16 triệu thùng/ngày trong tháng 3/2023.
Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới, được cho là sẽ đóng góp gần 60% trong mức tăng trưởng nhu cầu của toàn cầu trong năm 2023, và cùng với Ấn Độ cũng như Trung Đông bù lại việc nhu cầu yếu ở các nước phát triển.
Mỹ và Brazil sẽ đóng góp chính trong mức tăng nguồn cung khiêm tốn 1,2 triệu thùng/ngày trong năm nay, khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các nước đồng minh nhất trí cắt giảm sản lượng 850.000 thùng/ngày cho đến tháng 12/2023.
Theo IEA, lượng xuất khẩu dầu mỏ của Nga trong tháng Tư tăng lên 8,3 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ khi nổ ra xung đột giữa Nga và Ukraine, với nguồn thu tăng 1,7 tỷ USD, lên 15 tỷ USD.
Việc các nước áp trần giá đã khiến nguồn thu từ dầu mỏ của Nga giảm gần 2/3 so với cùng kỳ năm ngoái và IEA cho rằng Nga có thể không thực hiện việc cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày.