Nhân tố hỗ trợ thị trường chứng khoán Việt Nam đến từ nước Mỹ
Ngày 29/5/2019, Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi thao túng tiền tệ. Đến 16/12/2020, Việt Nam và Thụy Sỹ chính thức bị gắn nhãn thao túng. Trong lịch sử, Mỹ mới chỉ dùng việc gắn nhãn này ba lần, hai lần trước đều với Trung Quốc vào các năm 1994 và 2019.
Đến ngày 16/4/2021, Bộ Tài chính Mỹ kết luận chưa có đủ bằng chứng để khẳng định Việt Nam và Thụy Sỹ thao túng tiền tệ, và rút cả hai nước ra khỏi danh sách.
Theo VinaCapital, việc chính phủ Mỹ đảo ngược quyết định về thao túng tiền tệ với Việt Nam sẽ có tác động tích cực với nhà đầu tư cổ phiếu vì một số lý do:
Thứ nhất, rủi ro hàng Việt Nam bị áp thuế khi xuất sang Mỹ đã bị loại bỏ, ít nhất là trong tương lai gần, mặc dù thặng dư thương mại của nước ta với Mỹ tăng từ 15 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2020 lên thành 25 tỷ USD trong 4 tháng đầu 2021. VinaCapital cho rằng chênh lệch cán cân này sẽ còn tiếp tục tăng lên trong năm 2021.
Thứ hai, VND nhiều khả năng sẽ tăng giá, vì Bộ Tài chính Mỹ khẳng định VND đang bị định giá dưới 10% so với giá trị thực mặc dù đã tăng khoảng 2% trong năm 2020 (đã loại bỏ yếu tố lạm phát). Cách dễ nhất để Việt Nam khắc phục tình huống này và tránh rủi ro thuế quan trong tương lai là để cho VND lên giá.
Thứ ba, động thái của Mỹ dường như cho thấy chính quyền Joe Biden muốn ủng hộ tiến trình phát triển kinh tế của Việt Nam và thắt chặt quan hệ với những nước có thể giúp Mỹ đạt được mục đích địa chính trị trong khu vực.
Nói thêm về điểm thứ ba, VinaCapital trích dẫn một báo cáo của tổ chức nghiên cứu rất có sức ảnh hưởng là Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council) với nội dung cho rằng Mỹ nên khuyến khích Việt Nam phát triển kinh tế để thực hiện chiến lược địa chính trị khu vực.
Báo cáo này được công bố vào tháng 1/2021 với mục đích gây ảnh hưởng tới chính sách châu Á của chính quyền Joe Biden. Có thể chính báo cáo này là một trong những nhân tố khiến Mỹ bỏ gắn mác thao túng tiền tệ với Việt Nam.
(Nguồn: VinaCapital) | Thặng dư thương mại với Mỹ | Thặng dư tài khoản vãng lai (% GDP) | Dự trữ ngoại hối, tích lũy trong một năm (% GDP) |
Việt Nam | 70 tỷ USD | 3,7% | 4,4% |
Thụy Sỹ | 57 tỷ USD | 3,7% | 15,3% |
Đài Loan | 30 tỷ USD | 14,1% | 5,8% |
Ngưỡng để bị coi là thao túng tiền tệ | 20 tỷ USD | 2% | 2% |
Các số liệu trong bảng trên được lấy từ Bộ Tài chính Mỹ và không khớp với số liệu của Tổng cục Hải quan hay Tổng cục Thống kê Việt Nam. Theo VinaCapital, số liệu từ phía Mỹ vẽ nên một bức tranh có lợi cho Việt Nam hơn số liệu của chính Việt Nam, có thể là do phía Mỹ đã thực hiện một số điều chỉnh mang tính kỹ thuật với các con số thống kê.
Ổn định tỷ giá và dòng vốn vào thị trường chứng khoán
Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ổn định tỷ giá sẽ tác động tích cực tới thị trường chứng khoán và các nhà đầu tư. VinaCapital cho rằng các nhà hoạch định chính sách Việt Nam thường sử dụng những chiến lược đã từng được thử nghiệm và đánh giá là thành công tại Trung Quốc cũng như các thị trường mới nổi khác.
Nhiều người hiểu được vai trò quan trọng của ổn định tỷ giá USD/nhân dân tệ trong việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc những năm đầu thập niên 2000. Hiện nay, tình hình kinh tế của Việt Nam có nhiều nét tương đồng với Trung Quốc thời kỳ đó.
VinaCapital ước tính tổng lượng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam (bao gồm vốn đầu tư trực tiếp FDI, vốn gián tiếp FII và một phần lớn kiều hối của người Việt ở nước ngoài) liên tục ở trên ngưỡng 10% GDP trong những năm gần đây, chỉ riêng FDI đã tương đương khoảng 7% GDP. Tỷ giá hối đoái ổn định giúp dòng vốn chảy vào mạnh hơn và do vậy rất có lợi cho các nhà đầu tư hiện hữu.
Ngoài ra, dòng vốn ngoại lớn cũng tạo áp lực giảm lãi suất và phần bù rủi ro (risk premium). Đây đều là những nhân tố đặc biệt tích cực nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Bên cạnh đó, bản thân việc tỷ giá USD/VND ổn định cũng giúp làm giảm phần bù rủi ro mà các nhà đầu tư nước ngoài áp dụng với cổ phiếu Việt Nam.