|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

NĐT cá nhân giúp chứng khoán Việt Nam lên đỉnh, bất chấp khối ngoại xả hơn 1 tỷ USD

04:37 | 30/05/2021
Chia sẻ
Theo Bloomberg, ba thị trường chứng khoán top đầu châu Á 5 tháng đầu năm nay là Việt Nam, Hàn Quốc và Đài Loan đều có sự hỗ trợ đắc lực của các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ.

Từ đầu năm đến nay, chỉ số VN-Index của thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng 20%. Thống kê của Bloomberg cho thấy các tài khoản chứng khoán của cá nhân chiếm tới 90% lượng giao dịch toàn thị trường.

Hai cái tên đứng sau nước ta là Hàn Quốc và Đài Loan với chỉ số tham chiếu đều tăng hơn 10%. Các nhà đầu tư nhỏ lẻ chiếm khoảng 75% lượng giao dịch ở Hàn Quốc và 70% ở Đài Loan.

Cả ba thị trường chứng khoán Việt Nam, Hàn Quốc và Đài Loan đều liên tiếp tăng mạnh dù nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trong những tháng đầu năm nay, Bloomberg cho hay.

NĐT cá nhân giúp chứng khoán Việt Nam lên đỉnh, bất chấp khối ngoại xả hơn 1 tỷ USD - Ảnh 1.

Cơn sốt giao dịch của nhà đầu tư nhỏ lẻ bắt đầu từ năm ngoái khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, sau đó hoạt động mua bán trỗi dậy mạnh mẽ hơn trong những tháng đầu năm nay khi một số ổ dịch nổi lên ở châu Á. 

Các quy định giãn cách xã hội và hạn chế đi lại khiến nhiều người tham gia vào thị trường chứng khoán hơn trước để bổ sung phần thu nhập mất đi hoặc bù đắp cho lãi suất tiền gửi thấp bèo bọt. Các ứng dụng giao dịch với phí thấp và sự phổ biến của điện thoại di động là những chất xúc tác chính cho xu hướng tham gia của nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Bà Margaret Yang, một chuyên gia thị trường tại công ty dịch vụ tài chính DailyFX ở Singapore nhận định: "Các nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ tiếp tục là một lực lượng quan trọng trên thị trường khi họ học thêm các kiến thức và kỹ năng về giao dịch, đầu tư". Thị trường cũng có thể sẽ trải qua "nhiều biến động hơn do hiệu ứng bầy đàn" của đám đông nhà đầu tư, bà Margaret cảnh báo.

Triển vọng xuất khẩu hỗ trợ thị trường chứng khoán

Theo Bloomberg, giao dịch của nhà đầu tư nhỏ lẻ không phải là lý do duy nhất giúp thị trường chứng khoán Việt Nam, Đài Loan và Hàn Quốc tăng trưởng vượt trội những tháng qua. Một yếu tố quan trọng nữa là triển vọng xuất khẩu khả quan của các nền kinh tế khi thế giới mở rộng tiêm vắc xin ngừa COVID-19.

Trong 20 ngày đầu tháng 5, xuất khẩu của Hàn Quốc tăng 53,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu của Đài Loan trong tháng 4 cũng vượt xa kỳ vọng nhờ nhóm mặt hàng bán dẫn và linh kiện điện tử. 

Việt Nam đang phải đối phó với đợt bùng phát dịch mới nhưng vẫn được coi là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất khi nền kinh tế Mỹ phục hồi nhờ các gói kích thích quy mô hàng nghìn tỷ USD.

Theo thống kê của Chứng khoán SSI, từ đầu năm tới nay, khối ngoại đã bán ròng hơn 24.100 tỷ đồng, tức là hơn 1 tỷ USD. Các cổ phiếu bị xả mạnh nhất bao gồm HPG (Tập đoàn Hòa Phát), VNM (Vinamilk), CTG (VietinBank), VPB (VPBank).

Trong khi VNM hiện đang thấp hơn 16% so với đầu năm thì các cổ phiếu khác lại đi lên mạnh mẽ: HPG thêm 62%, VPB nhảy vọt 111%, CTG cũng tăng 48%.

NĐT cá nhân giúp chứng khoán Việt Nam lên đỉnh, bất chấp khối ngoại xả hơn 1 tỷ USD - Ảnh 3.

Cổ phiếu VietinBank bị khối ngoại bán ròng hơn 5.600 tỷ đồng trong 5 tháng đầu năm 2021, đứng thứ 2 chỉ sau cổ phiếu Tập đoàn Hòa Phát. (Ảnh minh họa: Song Ngọc).

Mặc dù vậy, việc nhà đầu tư nhỏ lẻ tích cực mua vào đã thúc đẩy thị trường chứng khoán đi lên.

Người dân có rất ít lựa chọn đầu tư, lãi suất lại đang tương đối thấp và dịch vụ môi giới đang phát triển mạnh được coi là những động lực thúc đẩy giao dịch của nhà đầu tư cá nhân ở Việt Nam, Bloomberg cho hay.

Ông Stephen McKeever - Giám đốc điều hành Khối Khách hàng tổ chức tại CTCP Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSC) nhận định: "Chúng tôi cho rằng mức độ tham gia tích cực của nhà đầu tư cá nhân sẽ được duy trì, miễn là lãi suất tiền gửi ngân hàng vẫn trong xu thế đi xuống".

Bà Cao Thị Ngọc Quỳnh - Giám đốc phát triển khách hàng tổ chức của CTCP Chứng khoán SSI thì lo ngại thị trường sắp tới có thể sẽ điều chỉnh và đang theo dõi sát sự lây lan của dịch COVID-19.

Theo thống kê của FiinPro, trong tuần 24-28/5, khối ngoại và các tổ chức trong nước bán ròng lần lượt 251 tỷ và 1.157 tỷ đồng. Ngược lại, khối tự doanh mua ròng 332 tỷ và các cá nhân trong nước gom mạnh nhất với 1.076 tỷ.

Trong tuần trước đó (17-21/5), khối ngoại và tự doanh xả lần lượt 3.073 tỷ và 819 tỷ. Lực mua chủ yếu đến từ các cá nhân trong nước với 3.805 tỷ, tổ chức trong nước chỉ mua ròng 87 tỷ.

Song Ngọc