|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nhân tài công nghệ cấp cao bỏ việc trở thành lực lượng chống đối đáng gờm của Amazon

04:16 | 11/05/2020
Chia sẻ
Thất vọng trước cách Amazon hành xử với người lao động trong thời kì dịch COVID-19 lây lan ở Mỹ, nhiều tài năng công nghệ đã bỏ việc và trở thành lực lượng phê phán gay gắt tập đoàn.

Khi kĩ sư Tim Bray - Phó chủ tịch bộ phận điện toán đám mây của tập đoàn thương mại điện tử Amazon - từ chức rồi viết một blog hôm 4/5 để giải thích lí do ông rời vị trí có mức lương rất cao, ông trở thành một phần của nhóm chuyên gia công nghệ bất mãn với một trong những doanh nghiệp lớn nhất hành tinh.

Song Bray không phải vị phó chủ tịch duy nhất ở Amazon bất mãn với bộ máy lãnh đạo của tập đoàn. Maren Costa, nhà thiết kế trải nghiệm khách hàng mà Amazon sa thải hồi tháng 4 ngay sau khi cô tổ chức một cuộc đối thoại qua video giữa các nhân viên công nghệ với công nhân nhà kho của tập đoàn, nói với Forbes rằng hơn 40 nhân viên và nhà quản lí của Amazon đã liên hệ với cô khi tập đoàn sa thải cô.

"Một số nhà quản lí nói: Tôi ủng hộ cô, nhưng tôi không muốn công khai thái độ ấy vì toi còn quá nhiều thứ với tập đoàn", Maren kể.

Nhân tài công nghệ cấp cao bỏ việc trở thành lực lượng chống đối đáng gờm của Amazon - Ảnh 1.

Hàng loạt nhân viên của tập đoàn Amazon kêu gọi tập đoàn bảo đảm an toàn sức khỏe cho họ trước đại dịch COVID-19 hôm 1/5. Ảnh: Getty Images

Là người có chức vụ cao nhất ở Amazon thôi việc, Bray cảm thấy giận dữ với cách hành xử của tập đoàn đối với dịch viêm phổi cấp COVID-19 và mô tả chi tiết việc đó trong blog.

"Tôi thôi việc vì không hài lòng trước việc Amazon sa thải những người dám bảo vệ những nhân viên nhà kho đang sợ hãi trước dịch COVID-19. ĐÓ là một bằng chứng về văn hóa doanh nghiệp độc hại. Tôi quyết định không phục vụ hay hấp thu thứ thuốc độc ấy", Bray viết.

Quyết định thôi việc ở Amazon khiến Bray mất hơn 1 triệu USD vì phải trả lại cổ phiếu ưu đãi mà Amazon dành cho ông.

"Nhưng nếu ở lại Amazon, tôi sẽ phải tiếp tục chấp nhận những hành động mà tôi phỉ báng. Vì thế tôi từ chức", ông giải thích.

Các kĩ sư, chuyên gia công nghệ bênh vực những đồng nghiệp thực hiện công việc chân tay vì các nhân viên nhà kho nhờ vả họ. Maren Costa, người đã làm việc cho Amazon 15 năm trước khi mất việc, nói rằng một số công nhân nhà kho tiếp cận cô hồi tháng 3 để yêu cầu cô giúp họ.

"Chuyên gia công nghệ là nguồn nhân lực có giá trị cao. Bộ máy quản lí coi trọng chúng tôi hơn công nhân nhà kho vì họ biết họ sẽ khó tìm người thay thế nếu chúng tôi bỏ việc. Vì có lợi thế hơn, nhân viên công nghệ có trách nhiệm lớn hơn trong hoạt động bảo vệ đồng nghiệp trong tập đoàn", Maren bình luận.

Ban lãnh đạo Amazon đã tiếp thu ý kiến của công nhân nhà kho và các kĩ sư. Họ tăng lương cho công nhân nhà kho thêm 2 USD mỗi giờ tới ngày 16/5 và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn tại các nhà kho. 

Mặc dù vậy, nhân viên của Amazon vẫn chưa thỏa mãn. Họ muốn tập đoàn tăng lương dài hạn theo giờ, công bố báo cáo minh bạch về COVID-19 và cho nhân viên hưởng lương khi nghỉ ốm.

Dù mức lương và chế độ đãi ngộ vô cùng chênh lệch, kĩ sư và công nhân nhà kho của Amazon rất gắn bó. Maren kể rằng, trong những năm cuối thập niên 90, mọi nhân viên của Amazon đều phải vào nhà kho để đóng gói sản phẩm trong các kì mua sắm Giáng sinh. 

Kĩ sư đóng gói cùng công nhân nhà kho và ngay cả tỉ phú Jeff Bezos cũng vào nhà kho để làm việc.

Bây giờ, không ai kì vọng người sáng lập Amazon sẽ vào nhà kho để làm việc cùng nhân viên. Ông cũng bỏ thói quen gửi thư tới từng cổ đông từ năm 1997 với tuyên bố rằng tập đoàn luôn có tâm thế của một startup bắt đầu kinh doanh trong ngày đầu tiên.

"Jeff Bezos luôn tự hào khi nói mọi ngày của Amazon đều là ngày đầu tiên. Nhưng với những lời chỉ trích của nhiều nhân viên, có lẽ Jeff Bezos phải thay đổi triết lí của ông ấy", Maren nhận xét.


Cửu Dương