|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nhận định thị trường chứng khoán tuần 26/8-30/8: Có thể giằng co và chịu áp lực điều chỉnh

08:43 | 25/08/2019
Chia sẻ
VN-Index được dự báo sẽ tiếp tục giằng co trong vùng được giới hạn bởi cận dưới 975-980 điểm và cận trên 1.000-1.005 điểm. Thị trường chứng khoán có thể chịu áp lực điều chỉnh trong những phiên đầu tuần và hồi phục trở lại về cuối tuần.

Thị trường chứng khoán tuần 19/8-23/8 tăng điểm tích cực, cả VN-Index và HNX-Index tăng điểm 4 phiên liên tiếp và giảm điểm nhẹ trong phiên cuối tuần.

Kết thúc tuần, VN-Index tăng 12,45 điểm tương đương 1,27% lên 992,45 điểm. HNX-Index đóng cửa ở mức 103,25 điểm, tăng 0,9 điểm tương đương 0,88% so với cuối tuần trước.

Các cổ phiếu tăng điểm ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index là VHM, VIC và GAS khi đóng góp vào chỉ số lần lượt 3,46, 2,97 và 1,75 điểm tăng.

Ngược lại, các cổ phiếu có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VnIndex là VNM, HNG và TCB khi lấy đi của chỉ số lần lượt 0,57, 0,34 và 0,26 điểm.

Khối lượng giao dịch trên cả HSX và HNX đều giảm so với tuần trước, đạt trung bình 170 và 26 triệu cổ phiếu/phiên, giảm lần lượt là 4,46% và 8,86% so với tuần trước.

Dưới đây là nhận định của các công ty chứng khoán tuần 26/8-30/8:

30195324rt-1554209652115943007541

Hình minh họa.

Giằng co

Chứng khoán Bảo Việt (BVSC)

Tuần cuối tháng 8, VN-Index dự báo sẽ tiếp tục có diễn biến giằng co trong vùng được giới hạn bởi cận dưới 975-980 điểm và cận trên 1.000-1.005 điểm.

Thị trường có thể chịu áp lực điều chỉnh trong những phiên đầu tuần và hồi phục trở lại về cuối tuần.

Trong bối cảnh thị trường tương đối thiếu vắng về mặt thông tin hỗ trợ như hiện tại, biến động của thị trường thế giới cùng hoạt động của khối ngoại sẽ là các yếu tố tác động đáng kể đến tâm lý nhà đầu tư trên thị trường trong tuần tới.

Các dòng cổ phiếu dự kiến sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh trong ngắn hạn. Nhóm ngân hàng và dầu khí vẫn còn dư địa tăng trong ngắn hạn nên các nhịp điều chỉnh của nhóm này có thể được xem là cơ hội mua trading cho các nhà đầu tư.

Ngoài ra, dòng tiền sẽ hướng sự quan tâm đến các nhóm cổ phiếu khác như dệt may, thủy sản, khu công nghiệp, cảng biển, hàng không và công nghệ thông tin… Nhà đầu tư được khuyến nghị duy trì tỷ trọng danh mục ở mức 40-50% cổ phiếu trong giai đoạn này.

Có thể xem xét bán chốt lời một phần các vị thế ngắn hạn khi thị trường tiếp cận vùng kháng cự 1.000-1.005 điểm. Hoạt động mua lại các vị thế đã bán hoặc mở vị thế mua mới chỉ nên thực hiện trong các phiên thị trường điều chỉnh và tại các vùng hỗ trợ cụ thể của từng cổ phiếu.

Điều chỉnh

Chứng khoán Bản Việt (VCSC)

Trong phiên giao dịch tới, các ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn có thể sẽ thúc đẩy sự hồi phục nhẹ tại các chỉ số chủ chốt.

Tuy nhiên, với việc bên bán vẫn đang tỏ ra chiếm ưu thế, thị trường sẽ tiếp tục xu hướng điều chỉnh sau đó, VN-Index có thể thử thách sự bền vững của hỗ trợ MA5 tại 990 điểm.

Ngưỡng cản tâm lý 1.000 điểm khá lớn

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)

Ảnh hưởng của ngưỡng cản tâm lý 1.000 điểm đối với VN-Index vẫn khá lớn và gây áp lực điều chỉnh. Tuy nhiên nhịp hồi phục của VN-Index vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.

Nhà đầu tư nên quan sát động thái giao dịch của thị trường trong thời gian gần tới, đồng thời tìm kiếm cơ hội đầu tư và chờ mở rộng danh mục nếu thị trường chinh phục thành công vùng cản tâm lý 1.000 điểm.

Duy trì tỷ trọng danh mục hiện tại

Chứng khoán BIDV (BSC)

Trạng thái giằng co như hiện tại còn tiếp tục diễn ra. Nhà đầu tư vẫn cần giữ tỷ trọng tiền ở mức an toàn để chủ động trước biến động thị trường từ thông tin thế giới tiêu cực còn phía trước.

Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Minh Anh

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.