Nhận định thị trường chứng khoán tuần 23 - 27/3: Khối ngoại đẩy mạnh bán ròng, VN-Index tiếp tục dò đáy
Thị trường chứng khoán trong nước tiếp tục giảm điểm trong phiên giao dịch cuối tuần. Hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs khiến nhiều cổ phiếu lớn chịu áp lực bán mạnh, trong đó, ba cổ phiếu họ Vingroup giảm sàn khiến VN-Index mất điểm mạnh.
Như vậy, trong tuần, VN-Index có 4 phiên giảm điểm và một phiên tăng điểm trước khi kết thúc tuần ở mức 709,73 điểm, giảm 52,05 điểm tương đương giảm 6,83% so với cuối tuần trước. HNX-Index đóng cửa tuần ở mức 101,79 điểm, giảm 0,41 điểm tương đương mất 0,4%.
Trong tuần qua, các cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index là PLX, TPB và GAS khi đóng góp vào chỉ số lần lượt 1,65; 0,55 và 0,51 điểm tăng. Ngược lại, các cổ phiếu có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-Index tuần qua là VCB, VIC và VHM khi lấy đi của chỉ số lần lượt 10,14; 9,65 và 7,85 điểm.
Khối lượng giao dịch trung bình phiên tuần qua trên cả hai sàn HOSE và HNX đều giảm, mức giảm lần lượt là 18,47% và 16,16% xuống 227 và 58 triệu cổ phiếu mỗi phiên.
Về hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài, khối ngoại có tuần thứ 4 liên tiếp bán ròng tất cả các phiên trong tuần. Trong tuần qua, khối ngoại đã bán ròng lần lượt 2.938 tỉ đồng trên HOSE và 131 tỉ đồng trên HNX.
Thị trường giảm điểm trên diện rộng khi có 16/19 ngành giảm điểm. Top 3 ngành giảm điểm mạnh nhất là truyền thông giảm 19,14%, bảo hiểm 10,92% và bất động sản 22,17%. Top 3 ngành tăng điểm mạnh nhất gồm dầu khí 9,81%, hàng hóa và dịch vụ công nghiệp 2,38%, hóa chất.
Dưới đây là nhận định của các công ty chứng khoán 23 - 27/3:
CTCP Chứng khoán MB (MBS)
Thị trường vẫn dao động ở vùng hỗ trợ sau nhịp giảm sâu. Nhịp giảm mạnh đã có dấu hiệu chậm lại trong các phiên gần đây, ở giai đoạn này thị trường đã ổn định hơn, điểm mấu chốt vẫn là tìm kiếm động lực để kích cầu trở lại sau bệnh dịch.
Bên cạnh đó, chuỗi bán ròng của khối ngoại có thể làm nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn. Đâu là đáy của thị trường sau đợt giảm mạnh này là câu hỏi khó, tuy vậy nhà đầu tư có thể tập trung vào các cổ phiếu riêng lẻ cho chiến lược đầu tư từ 3 đến 6 tháng tới.
Theo thống kê, nhiều cổ phiếu trong rổ VN30 về sát đáy 5 năm trước (2015) như FPT, MBB, REE, BVH hoặc nhiều mã giảm trên 20% như CTD, GAS, HPG. Cơ hội đang dần xuất hiện đối với những nhà đầu tư trung và dài hạn.
CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVS)
Thị trường dự báo có biến động cân bằng hơn trong tuần tới khi hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs qua đi. Rủi ro giảm điểm của thị trường vẫn đang hiện hữu tuy nhiên, VN-Index bắt đầu xuất hiện các phiên hồi phục đan xen trong tuần tới.
Với việc nhiều nhóm cổ phiếu đã rơi vào trạng thái quá bán mạnh được kỳ vọng sẽ giúp thị trường sớm bước vào nhịp hồi phục ngắn hạn. Điểm tiêu cực hiện tại vẫn là những diễn biến bất ngờ của dịch Covid-19 và áp lực bán ròng liên tục của khối ngoại.
CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS)
Về mặt kĩ thuật, xu hướng giảm đã chiếm ưu thế trong ngắn hạn khi VN-Index kiểm định lại mức hỗ trợ quan trọng quanh ngưỡng 700 điểm. Do đó, nhà đầu tư cần thận trọng đứng bên ngoài quan sát và chờ đợi những tín hiệu đảo chiều tiếp theo.
CTCP Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC)
VN-Index tiếp tục củng cố xu hướng giảm trung dài hạn và chưa có dấu hiệu đảo chiều. Tâm lý dầ ổn định trong tuần với phiên giao dịch biên độ hẹp hơn và không tạo gap giá cho dù gây nhiễu bởi hoạt động cơ cấu ETFs và HĐTL đáo hạn.
Dù vậy, Khối ngoại bán ròng và sự đồng nhất giảm của thị trường thế giới vẫn tạo sức ép rất lớn cho chỉ số trong quá trình dò đáy. Chỉ số tiếp tục hướng về các vùng giá thấp lần lượt 700, 670 và 638.
Những phiên hồi kĩ thuật sẽ sớm diễn ra trong vùng quá bán dù vậy tín hiệu rõ ràng hơn như nến shakeout hoặc doji sau đáy hấp thụ đà bán khá quan trọng trước khi xác nhận một xu hướng hồi phục.
Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.