Nhận định thị trường chứng khoán tuần 2 - 6/11: Rủi ro đang lớn hơn, nguy cơ hình thành xu hướng giảm
Trái với diễn biến tích cực trong những tuần giao dịch gần đây, tuần giao dịch cuối tháng 10 chịu áp lực bán mạnh mẽ từ phía nhà cả nhà đầu tư trong, ngoài nước và trên hầu hết các nhóm ngành.
Đóng cửa tuần giao dịch từ ngày 26/10 đến ngày 30/10, VN-Index giảm mạnh 35,79 điểm (3,72%) xuống mức 935,47 điểm với thanh khoản đạt 2.088 triệu đơn vị, tương đương với 40.827 tỉ đồng.
Trong khi đó HNX-Index có mức giảm mạnh hơn đạt 6,36 điểm (4,49%) xuống 135,34 điểm với thanh khoản đạt 267 triệu cổ phiếu, trị giá 3.758 tỉ đồng.
Hầu như bên bán là bên nắm thế chủ động trong phần lớn thời gian giao dịch trong tuần, đỉnh điểm là vào phiên ngày thứ 4, áp lực bán dồn dập vào những phút cuối gây nên trạng thái hoảng loạn trên toàn thị trường.
Trong phiên giao dịch cuối tuần, kịch bản có sự thay đổi khi lực cầu bắt đáy xuất hiện ồ ạt vào cuối phiên, giúp VN-Index đảo chiều nhanh chóng từ sắc đỏ thành đóng cửa với mức tăng 0,7%, đây cũng là phiên giao dịch xanh điểm duy nhất của chỉ số.
Không có gì bất ngờ khi khối ngoại bán ròng toàn bộ phiên giao dịch trong tuần với tổng giá trị ròng gần 2.000 tỉ đồng. Đây đã là tuần bán ròng thứ 5 liên tiếp của nhà đầu tư nước ngoài với giá trị cộng dồn tính riêng trong tháng 10 là 7.292 tỉ đồng.
Dưới đây là nhận định của các công ty chứng khoán tuần 2 - 6/11:
Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI)
Về mặt kĩ thuật, cây nến doji phiên hồi phục cuối tuần có thể là một tín hiệu cho thấy sự điều chỉnh của thị trường có thể sẽ sớm kết thúc, song thanh khoản giao dịch trong phiên chỉ ở mức thấp khiến cho tín hiệu của cây nến là rất yếu.
Áp lực từ những phiên giảm điểm đầu tuần vẫng đang hiện hữu trên thị trường, đặc biệt là phiên giao dịch thứ 4 ngày 28/10. Đây là phiên mấu chốt cho thấy xu hướng tăng điểm trước đó đã bị bẻ gãy và có khả năng xác suất cao là xu hướng giảm sẽ hình thành.
Do đó, rủi ro đang lớn hơn cơ hội ở giai đoạn này và NĐT nên thận trọng với vị thế mua. Thay vào đó, NĐT cân nhắc giảm tỉ trọng cổ phiếu nếu thị trường hồi phục.
Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC)
Thị trường có thể tiếp tục đà tăng trong phiên kế tiếp. Tuy nhiên, rủi ro ngắn hạn vẫn còn cao và áp lực điều chỉnh vẫn có thể sẽ gia tăng ở các phiên giao dịch đầu tuần.
Đồng thời, dòng tiền tiếp tục suy yếu ở các nhịp tăng cho thấy lực cầu chưa sẵn sàng quay trở lại thị trường, rủi ro phần lớn có thể sẽ chủ yếu tập trung ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ.
Chứng khoán Bảo Việt (BVS)
Nhịp hồi phục (nếu có) của thị trường có thể chỉ mang tính kĩ thuật và quá trình điều chỉnh của thị trường dự kiến sẽ còn diễn ra trong khoảng một đến hai tuần để giúp các nhóm cổ phiếu trên thị trường hình thành mặt bằng giá mới.
Kì công bố kết quả kinh doanh quí III của các doanh nghiệp niêm yết đã đi đến giai đoạn thoái trào và không còn tạo ra ảnh hưởng đối với diễn biến thị trường chung.
Chứng khoán ngân hàng BIDV (BSC)
VN-Index đang ở trong trạng thái giảm ngắn hạn khi mà động lực tăng không còn dồi dào sau một giai đoạn đi lên mạnh mẽ, cũng như ảnh hưởng từ xu thế điều chỉnh chung của các thị trường lớn trên thế giới.
Tuy vậy, việc thanh khoản đang có khuynh hướng đi xuống cho thấy áp lực bán cũng đang giảm dần.
VN-Index trong tuần tới nhiều khả năng có trạng thái hồi phục về khu vực quanh 930 điểm. Mặt khác, tuần sau cũng là tuần quyết định của cuộc bầu cử Mỹ 2020 nên phần nào sẽ ảnh hưởng đến vận động của thị trường chứng khoán Việt Nam trong ngắn hạn.
Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.