|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nhận định thị trường chứng khoán ngày 5/5: Tiếp tục giằng co quanh ngưỡng 1.350 điểm

19:08 | 04/05/2022
Chia sẻ
Theo dự báo của công ty chứng khoán, VN-Index có thể sẽ tiếp tục giằng co quanh ngưỡng 1.350 điểm với khối lượng giao dịch vẫn ở mức thấp trong phiên giao dịch kế tiếp.

Thị trường trong nước giảm trên diện rộng sau khi nhà đầu tư trở lại giao dịch sau kỳ nghỉ lễ dài ngày, thanh khoản xuống thấp cùng tâm lý đề phòng biến động từ thị trường thế giới khi Fed quyết định nâng lãi suất đã khiến áp lực chốt lời đối với lượng hàng bắt đáy T+3 và T+4 lên cao. Bên cạnh đó, việc khối ngoại quay đầu bán ròng sau chuỗi 3 tuần mua ròng liên tiếp cũng là lực cản của thị trường phiên này.

Tuy vậy, mức giảm cũng chỉ tập trung ở nhóm cổ phiếu midcap và VN30, trong đó sức nặng đến từ nhóm cổ phiếu ngân hàng. Ở chiều ngược lại, thị trường vẫn có nhiều điểm tích cực ở nhóm cổ phiếu nhỏ, tuần trước nhóm cổ phiếu này có mức tăng rất tốt, phiên hôm nay nhóm cổ phiếu này cũng chỉ giảm nhẹ.

Một số cổ phiếu vẫn có lực cầu bắt đáy và duy trì mức tăng tốt như: nhóm cổ phiếu dầu khí, sản xuất và phân phối điện, cảng biển, nhóm cổ phiếu vật liệu xây dựng được hưởng lợi từ đầu tư công (xi măng, khái thác đá,…),…

Đồ thị kỹ thuật VN-Index. (Nguồn: KBSV).

Dưới đây là nhận định của các công ty chứng khoán ngày 5/5:

Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC)

VN-Index có thể sẽ tiếp tục giằng co quanh ngưỡng 1.350 điểm với khối lượng giao dịch vẫn ở mức thấp trong phiên giao dịch kế tiếp. Đồng thời, thị trường có thể sẽ biến động hẹp kéo dài và dòng tiền sẽ phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu nếu các chỉ số ít biến động hẹp trong hai phiên giao dịch tới.

Điểm tiêu cực là lực cầu ở vùng giá cao vẫn suy yếu cho thấy thị trường sẽ chưa có động lực tăng trưởng mạnh và kịch bản “sideways” có khả năng xảy ra cao. Tuy vậy, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tăng mạnh cho thấy cơ hội tìm kiếm lợi nhuận đang dần gia tăng và các nhà đầu tư ngắn hạn đã bớt bi quan.

Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục đứng ngoài và quan sát thị trường. Đồng thời, nếu nhà đầu tư chấp nhận rủi ro cao thì có thể xem xét giải ngân với tỷ trọng thấp ở các cổ phiếu đã xác nhận điểm mua với điểm tăng trưởng cao.

Chứng khoán MB (MBS)

Nhìn chung, thị trường giảm điểm dưới sức nặng chủ đạo từ nhóm cổ phiếu ngân hàng, ngoại trừ nhóm cổ phiếu dầu khí và cảng biển có mức tăng đồng loạt thì các nhóm cổ phiếu khác có mức phân hóa rất cao, đặc biệt trong bối cảnh báo cáo kết quả kinh doanh quý 1 đang ở thời điểm cuối.

Chứng khoán BIDV (BSC)

Thị trường trồi sụt trong biên độ gần 18 điểm cả ngày hôm nay. VN-Index giảm mạnh ngay khi mở cửa, sau đó lội dòng đi lên trong nửa cuối phiên sáng. Sang đến phiên chiều, lực mua như biến mất, chỉ số bị đẩy xuống đóng cửa tại ngưỡng thấp nhất ngày - ngưỡng hỗ trợ quanh vùng 1.350.

Các cổ phiếu phiếu bất động sản, xây dựng, chứng khoán, ngân hàng,… đồng loạt giảm điểm mạnh. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tiêu cực với 6/19 ngành tăng điểm. Hôm nay là phiên chốt lời sau đà bật tăng trước đó. Trong những phiên tới, thị trường nhiều khả năng vẫn sẽ tích lũy quanh vùng 1.350.

Chứng khoán KB (KBSV)

VN-Index trải qua một nhịp giảm điểm giằng co với biên độ mở rộng về cuối phiên. Áp lực chốt lời ngắn hạn quanh vùng kháng cự gần 1.36x tiếp tục gây cản trở lên đà hồi phục của chỉ số. Mặc dù VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục trải qua các nhịp rung lắc trong những phiên tới, cơ hội hồi phục sau đó vẫn được đánh giá cao chừng nào điểm đỡ đáng lưu ý quanh 1.320 (+-10) vẫn được giữ vững.

Nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục duy trì các vị thế đã mở trong những phiên trước, tránh mua đuổi và có thể nâng thêm 1 phần tỷ trọng nếu chỉ số về lại vùng hỗ trợ đã đề cập.

Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Thu Thảo

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.