|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nhận định thị trường chứng khoán ngày 21/1: Kiểm định lại ngưỡng 1.490 điểm

18:45 | 20/01/2022
Chia sẻ
Theo dự báo của công ty chứng khoán, thị trường có thể sẽ hồi phục trong phiên giao dịch kế tiếp và VN-Index có thể sẽ kiểm định lại ngưỡng 1.490 điểm.

Thị trường trong nước tiếp tục hồi phục sang phiên thứ 2 liên tiếp, dòng tiền có sự lan tỏa rộng khắp khi số cổ phiếu tăng đã gấp 3 lần so với số cổ phiếu giảm. Đáng chú ý là nhiều cổ phiếu bất động sản đã được dòng tiền vào bắt đáy, bên cạnh đó lực đẩy của thị trường còn có sự đóng góp của nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Đóng cửa, VN-Index tăng 22,51 điểm (1,56%) lên 1465,3 điểm, trong đó VN30 tăng 10,26 điểm (0,69%) lên 1.492,81 điểm.

Thanh khoản khớp lệnh sàn HOSE đã tăng lên 21.248 tỷ đồng, so với mức 16.214 tỷ đồng ở phiên hôm qua tuy nhiên vẫn thấp hơn so với mức bình quân tuần trước ở 31.600 tỷ đồng.

Nhận định thị trường chứng khoán ngày 21/1: Kiểm định lại ngưỡng 1.490 điểm - Ảnh 1.

Đồ thị kỹ thuật VN-Index. (Nguồn: KBSV).

Dưới đây là nhận định của các công ty chứng khoán ngày 21/1:

Chứng khoán MB (MBS)

Thị trường tiếp đà phục hồi với điểm nhấn ở nhóm cổ phiếu đầu cơ được dòng tiền quay lại bắt đáy. Thanh khoản thị trường theo đó đã có sự cải thiện và dòng tiền đã có sự lan tỏa, cả nhóm midcap và smallcap cũng có sự phục hồi mạnh mẽ.

Về kỹ thuật, VN-Index đã kiểm nghiệm thành công ngưỡng MA100 và có nhiều triển vọng sẽ lấy lại ngưỡng MA50 cũng như xu hướng tăng kéo dài kể từ đầu năm 2021.

Thị trường sẽ tiếp tục phục hồi khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp báo cáo kết quả kinh doanh quý IV cũng như cả năm 2021. Nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, dầu khí,… có thể là địa chỉ của dòng tiền trong các phiên tới đây.

Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC)

Thị trường có thể sẽ hồi phục trong phiên giao dịch kế tiếp và VN-Index có thể sẽ kiểm định lại ngưỡng 1.490 điểm. Đồng thời, dòng tiền ngắn hạn cải thiện, đặc biệt dòng tiền đầu cơ đã được giải phóng trong phiên giao dịch 20/1 nên công ty chứng khoán kỳ vọng dòng tiền có thể sớm quay trở lại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.

Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn hồi phục trong vùng bi quan quá mức cho thấy rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp và thị trường vẫn có thể sẽ xuất hiện các nhịp hồi ở vài phiên tới.

Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể dừng bán và quan sát thị trường, nếu nhà đầu tư có tỷ trọng margin cao thì vẫn nên cân nhắc giảm dần tại các nhịp hồi. Ngoài ra, các nhà đầu tư ngắn hạn cũng có thể xem xét mua thăm dò với tỷ trọng thấp.

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)

Sau nhịp điều chỉnh đầu phiên, VN-Index dần hồi phục và bật tăng mạnh với biên độ mở rộng đến cuối phiên. Sau khi thử thách lại vùng hỗ trợ gần quanh 1.43x, chỉ số đã cho phản ứng tích cực và quay lên thử thách vùng kháng cự 1.46x.

Mặc dù các nhịp rung lắc có thể sớm xuất hiện nhưng cơ hội mở rộng thêm nhịp hồi phục vẫn được duy trì với vùng cản kế tiếp tại 1.48x, tương ứng với đường MA50. Nhà đầu tư tiếp tục được khuyến nghị hạ dần tỷ trọng của các vị thế ngắn hạn khi chỉ số và các mã cổ phiếu nắm giữ tiếp cận các vùng cản gần.

Chứng khoán BIDV (BSC)

Độ rộng thị trường nghiêng về phía tích cực với số mã tăng áp đảo số mã giảm, 16/19 ngành tăng điểm. Về giao dịch của khối ngoại, hôm nay khối này bán ròng trên sàn HOSE và mua ròng trên sàn HNX.

Có thể nói, VN-Index đang trong quá trình đi lên để test lại ngưỡng MA50 và sẽ tích lũy quanh vùng này cho đến khi đủ xung lực vượt lên các ngưỡng kháng cự tiếp theo.

Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.  

Thu Thảo

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.