|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nhận định thị trường chứng khoán ngày 18/6: Áp lực bán quay lại trong phiên cuối tuần?

19:20 | 17/06/2021
Chia sẻ
Theo dự báo của công ty chứng khoán, áp lực bán vẫn có thể quay trở lại vào phiên cuối cùng của tuần giao dịch hiện tại.

Sau phiên điều chỉnh hôm qua cùng kết quả cuộc họp của Fed được công bố, thị trường chứng khoán trong nước mở cửa giảm hơn 16 điểm trước khi ngược dòng thành công. Đà phục hồi của thị trường đến từ nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bán lẻ, bảo hiểm,…thanh khoản thị trường giảm khi nhà đầu tư tỏ ra thận trọng dưới áp lực giảm của chứng khoán toàn cầu.

Đóng cửa, VN-Index tăng 3,4 điểm (0,25%) lên 1.359,92 điểm; trong đó VN30-Index giảm 3,67 điểm còn 1.461,91 điểm. Độ rộng thị trường tích cực khi dòng tiền tìm đến các cổ phiếu vừa và nhỏ, toàn thị trường có 221 mã tăng/162 mã giảm, ở rổ VN30 có 14 mã tăng, 13 mã giảm và 3 mã giữ tham chiếu.

Thanh khoản thị trường hạ nhiệt so với phiên hôm qua nhưng vẫn giữ ở mức cao, giá tṛi khớp lệnh đạt hơn 20.130 tỷ đồng. Giao dịch khối ngoại là điểm trừ khi họ tiếp tục bán ròng trên cả ba sàn với tổng giá trị hơn 154 tỷ đồng.

Nhận định thị trường chứng khoán ngày 18/6: Áp lực bán quay lại trong phiên cuối tuần? - Ảnh 1.

Đồ thị kỹ thuật VN-Index. (Nguồn: Trading View, KB Securities Vietnam).

Dưới đây là nhận định của các công ty chứng khoán ngày 18/6:

Chứng khoán MB (MBS)

Nhà đầu tư tỏ ra thận trọng khi với thông tin từ thị trường thế giới trong khi VN-Index đang trong quá trình retest lại đỉnh cũ.

Về kỹ thuật, VN-Index vẫn đang trong nhịp phục hồi và retest lại đỉnh cũ, tín hiệu tích cực lúc này là sự trở lại của các nhóm cổ phiếu dẫn dắt như ngân hàng, chứng khoán, dầu khí, bán lẻ, bảo hiểm,….dòng tiền cũng tranh thủ tìm đến các cổ phiếu vừa và nhỏ khi nhóm bluechips vẫn giảm sang phiên thứ ba liên tiếp.

Chứng khoán BIDV (BSC)

VN-Index mất điểm ngay từ đầu phiên sáng do ảnh hưởng từ việc thị trường thế giới ở trong sắc đỏ nhưng lực cầu bắt đáy đã xuất hiện và giúp chỉ số tăng dần và lấy lại sắc xanh vào phiên chiều. Dòng tiền đầu tư gia tăng trở lại với 13/19 nhóm ngành tăng điểm. Trong khi đó, khối ngoại bán ròng trên sàn HOSE và mua ròng trên sàn HNX.

Ngoài ra, độ rộng thị trường chuyển sang trạng thái tích cực với thanh khoản không chênh lệch nhiều so với phiên trước. Theo đó, áp lực bán vẫn có thể quay trở lại vào phiên cuối cùng của tuần giao dịch hiện tại.

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)

VN-Index mở gap giảm điểm mạnh đầu phiên nhưng dần phục hồi và đóng cửa với mức tăng nhẹ. Như vậy xu hướng tăng vẫn đang được bảo lưu khi chỉ số cho phản ứng hồi phục tại vùng hỗ trợ quanh 1.330. Rủi ro điều chỉnh sâu chỉ trở nên hiện hữu nếu thị trường có 1 phiên phân phối tiêu cực và phá vỡ vùng hỗ trợ này.

Nhà đầu tư được khuyến nghị ưu tiên tập trung vào việc quản lý và cân bằng tỷ trọng nắm giữ, việc giảm tỷ trọng xuống mức thấp chỉ cần thiết nếu xuất hiện phiên phân phối như đã đề cập.

Chứng khoán Agribank (Agriseco) 

VN-Index mở gap giảm điểm ngay khi vừa mở cửa, một phần do áp lực từ các thị trường tài chính quốc tế sau khi Fed công bố có thể sẽ tăng lãi suất vào năm 2023. Tuy nhiên lực cầu bắt đáy đã xuất hiện xung quanh vùng kháng cự 1.340 điểm, nhờ vậy thị trường đã hồi phục khá ổn và đóng cửa trong sắc xanh.

Quan sát thấy thanh khoản hôm nay tiếp tục duy trì ở mức khá thấp, hàm ý tâm lý nhà đầu tư thời điểm hiện tại chưa thực sự đồng thuận. Theo đó trong ngắn hạn thị trường sẽ xuất hiện nhiều phiên tăng giảm xen kẽ trước khi tìm được điểm cân bằng mới.

Chiến thuật trading thời điểm hiện tại là bán chốt lời xung quanh vùng đỉnh ngắn hạn 1.380 điểm và giải ngân mới tại vùng 1.340 điểm, tập trung vào các mã nhiều triển vọng kết quả kinh doanh quý II hoặc nhóm cổ phiếu đang nhận được sự chú ý dòng tiền như logistics.

Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.     

Thu Thảo

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.