Nhà xuất khẩu nội thất gỗ hướng về thị trường nội địa
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) ước tính xuất khẩu đồ nội thất phòng khách và phòng ăn trong tháng 11/2020 đạt 260 triệu USD, giảm 5,8% so với tháng 11/2019.
Tính chung trong 11 tháng năm 2020 trị giá xuất khẩu mặt hàng này ước đạt 2,4 tỷ USD, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Còn theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu đồ nội thất phòng khách và phòng ăn trong tháng 10/2020 đạt 296,1 triệu USD, tăng 40,8% so với tháng 10/2019. Đây là tháng thứ 5 liên tiếp xuất khẩu mặt hàng này tăng.
Trong 10 tháng năm 2020, xuất khẩu đồ nội thất phòng khách và phòng ăn đạt 2,2 tỷ USD, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Đáng chú ý, do kiềm chế thành công đại dịch COVID-19 nên Việt Nam nhanh chóng tái khởi động lại hoạt động kinh tế và được dự đoán là nền kinh tế phát triển nhanh trong năm 2020.
"Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới làm đứt gãy thương mại quốc tế, nhưng hoạt động xuất khẩu mặt hàng đồ nội thất phòng khách và phòng ăn của Việt Nam vẫn tăng trưởng khả quan trong năm 2020", Cục Xuất nhập khẩu nhận định.
Sự tăng trưởng ấn tượng này đang thu hút sự tập trung của các doanh nghiệp trong nước trong khi đó tại thị trường nội thất của Việt Nam lại ngày càng hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.
Nhiều thương hiệu quốc tế đang có kế hoạch đặt nhà máy sản xuất, hoặc tìm cơ hội để mở rộng kinh doanh tại Việt Nam khi hàng rào thuế quan đối với mặt hàng đồ nội thất và trang trí nhà cửa được dỡ bỏ.
Ông Lim Hong Jin, Tổng giám đốc Công ty Savimex, một trong những đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm gỗ chất lượng cao, đã chinh phục những thị trường hàng đầu như: Nhật Bản, Mỹ, Châu Âu, Hàn Quốc,..., nhận định rằng thị trường nội thất Việt Nam rất sôi nổi, chỉ riêng ở TP HCM đã có hơn 1.500 thương hiệu.
Đây cũng là lý do Savimex vừa đưa showroom đầu tiên là nội thất Moho gia nhập thị trường. Đáng chú ý, năm 2021, nội thất Moho sẽ tiếp tục mở thêm nhiều showroom và mở rộng mạng lưới showroom ra các tỉnh thành lớn trên cả nước.
"Điểm nội bật của nội thất Moho là sản phẩm được nghiên cứ và thiết kế phù hợp với văn hóa đời sống của người Việt như độ cao của bàn ghế thích hợp với chiều cao của người Việt, tất cả các góc của sản phẩm đều được làm tròn nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ em và người dùng, sản phẩm dịch vụ, nâng cao trải nghiệm cho khách hàng…", đại diện Savimex chia sẻ.
Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ TP HCM (HAWA) ước tính dư địa của thị trường nội thất trị giá khoảng 4 tỷ USD, trong đó chỉ tính riêng nội thất văn phòng chiếm khoảng 1/4.
Việt Nam là thị trường tiềm năng với dân số lên tới trên 96 triệu người và là quốc gia đang phát triển nên nhu cầu xây dựng, kiến thiết các công trình nhà ở, khách sạn… rất lớn. Thêm vào đó, xu hướng tiêu dùng của người Việt hiện nay không nghĩ tới giá rẻ mà họ yêu cầu sản phẩm phải phù hợp với phong cách, kiến trúc của ngôi nhà.
Do đó, theo Hawa khả năng tiêu thụ đồ nội thất của Việt Nam còn rất lớn và sẽ tiếp tục tăng hơn so với mức dự báo như hiện nay.
Đặc biệt là gần đây, Thủ tướng yêu cầu ngành gỗ phải giữ cho được thị trường nội địa nên các doanh nghiệp trong ngành đã ngày một chú trọng hơn, thậm chí những doanh nghiệp vốn chỉ xuất khẩu thì cũng đã có xu hướng tìm hiểu để quay lại nội địa.