|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Nhà ở xã hội - Bài 2: Loay hoay giấc mơ nhà ở xã hội

08:53 | 18/09/2022
Chia sẻ
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ngành, địa phương và doanh nghiệp “cần nói đi đôi với làm, không để người dân mất niềm tin; đảm bảo từ nay đến năm 2030 cả nước có ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội”.

Quang cảnh hội nghị Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân và người thu nhập thấp. (Ảnh: Dương Giang-TTXVN)

Trước nguồn cung bất động sản trên địa bàn cả nước cũng như Thủ đô Hà Nội thiếu hụt ở hầu hết các phân khúc, nhất là nhà ở xã hội phục vụ người có thu nhập thấp và công nhân lao động, trong nhiều cuộc đối thoại của Thủ tướng Chính phủ với công nhân lao động, nhiều người lao động bày tỏ mong muốn được Chính phủ và TP Hà Nội quan tâm hơn đến các chính sách về nhà ở xã hội để có cơ hội sở hữu một nơi an cư phù hợp.

Đáp ứng nguyện vọng này, mới đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ngành, địa phương và doanh nghiệp “cần nói đi đôi với làm, không để người dân mất niềm tin; đảm bảo từ nay đến năm 2030 cả nước đạt mục tiêu xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội”.

Nguồn cung như “muối bỏ biển”

Chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân; trong đó có nhà ở dành cho công nhân khu công nghiệp luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nhà ở xã hội tại Mê Linh, Hà Nội do HUD làm chủ đầu tư. (Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN).

Theo đó, pháp luật về nhà ở đã có những chính sách ưu đãi để giảm giá thành nhà ở, tạo điều kiện cho người lao động có thu nhập thấp có điều kiện tiếp cận nhà ở xã hội.

Đặc biệt, sau ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ - CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Trong đó, có 2 gói hỗ trợ để thúc đẩy phát triển nguồn cầu và nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ với tổng nguồn vốn cho vay tối đa 15.000 tỷ đồng; cho vay hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022 - 2023…

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ cùng với sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành Hà Nội và doanh nghiệp, hàng trăm nghìn hộ gia đình thu nhập thấp và công nhân lao động Thủ đô được cải thiện nhà ở.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, trên địa bàn Hà Nội hiện có 25 dự án nhà ở xã hội với quy mô 1,25 triệu m2 sàn được hoàn thành, đưa vào sử dụng (tương ứng gần 12.700 căn hộ). Song, từ thực tế triển khai và căn cứ vào nhu cầu còn rất lớn của người dân cho thấy bài toán phát triển nhà ở xã hội tại Thủ đô càng trở nên cấp thiết. Giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội mới đạt 26,24% kế hoạch xây nhà ở xã hội.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội cho biết, trên địa bàn Thủ đô đang phát triển 17 khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghiệp cao. Trong đó, 9 khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động ổn định với gần 162.000 lao động.

Qua khảo sát của các cấp công đoàn cơ sở, có đến 80% số công nhân lao động phải đi thuê trọ ở những dãy phòng cấp 4 (diện tích khoảng 9 - 10 m2/phòng), thiếu vắng hầu hết các điều kiện hạ tầng, không đảm bảo chất lượng cuộc sống.

Mong mỏi về một khu nhà ở văn minh, hiện đại, phù hợp với túi tiền của công nhân vẫn đang là giấc mơ xa vời, bởi từ nhiều năm nay mặc dù đã được các cấp, các ngành thấu hiểu, sẻ chia nhưng còn nhiều bất cập chưa thể giải quyết.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, toàn thành phố mới có 3 khu công nghiệp có dự án nhà ở dành cho công nhân nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu thực tế, đặc biệt hạ tầng xã hội còn quá thiếu.

“Vài năm Hà Nội mới lại có một khu nhà công nhân được đưa vào sử dụng, chẳng khác nào “muối bỏ biển”, ông Trần Anh Tuấn bày tỏ.

Từ thực tế dịch bệnh COVID-19 vừa qua đã cho thấy, việc công nhân lao động được an cư ở một số khu nhà ở đã giúp hoạt động sản xuất của doanh nghiệp được duy trì ổn định. Thế nhưng, để là "bà đỡ" về chỗ ở cho công nhân thì không phải doanh nghiệp nào cũng “mặn mà”.

Nhiều “rào cản”, vướng mắc

Nhìn nhận về thực trạng chậm phát triển nhà ở xã hội tại Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Luyện Văn Phương cho rằng, thiếu quỹ đất là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “khát” nhà ở xã hội của người dân. Mặt khác, theo quy định, mỗi dự án nhà thương mại, khu đô thị đều phải dành 20% quỹ đất để xây nhà ở xã hội, nhưng tại Hà Nội, nhiều dự án không chấp hành nghiêm túc quy định này.

Thiếu quỹ đất là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “khát” nhà ở xã hội của người dân. Ảnh minh họa: TTXVN

Hay ở giai đoạn trước đây, các dự án đã được lựa chọn chủ đầu tư không có 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội. "Như vậy chỉ có các dự án bị thu hồi để bàn giao cho chủ đầu tư khác thì mới bố trí tiếp nhà ở xã hội. Từ thực tế đó, dự án bố trí nhà ở xã hội không nhiều", ông Luyện Văn Phương lý giải.

Cũng theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, không chỉ do quỹ đất hạn hẹp, hiện nay, ở nhiều khu đô thị, doanh nghiệp dường như có xu hướng không muốn triển khai nhà ở xã hội do sản phẩm này có lợi nhuận thấp lại phải đầu tư nhiều vốn.

Cá biệt có những trường hợp chây ỳ, không có trách nhiệm với cộng đồng dù cơ quan chức năng nhiều lần nhắc nhở; có dự án chuyển sang nhà ở thương mại trái quy định; thậm chí có không ít dự án bỏ hoang, một số dự án xây xong rồi nhưng xa trung tâm nên khó bán.

Bên cạnh đó, cơ chế chính sách thu hút đầu tư, các nguồn vốn ưu đãi xây dựng nhà ở xã hội chưa đủ hấp dẫn doanh nghiệp. Đặc biệt, sau khi gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30 nghìn tỷ đồng kết thúc, việc phân bổ nguồn vốn để phát triển nhà ở xã hội gặp nhiều hạn chế.

Một số dự án chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công do chủ đầu tư và người mua không tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi. Nếu như chủ đầu tư chuyển hướng sang vay thương mại, chi phí xây dựng dự án sẽ rất lớn.

Ngoài những nguyên nhân chủ quan trên, cơn “bão” vật liệu xây dựng tăng giá liên tục thời gian qua đã và đang tác động mạnh đến chủ đầu tư.

Đại diện Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (HANDICO) cho rằng, giá vật liệu tăng cao khiến doanh nghiệp không chủ động được nguồn vật liệu, chi phí từ đó bị “đội” lên rất cao. Qua khảo sát, nhiều dự án bị đình trệ, chậm tiến độ; một số dự án phải tạm dừng. Nguồn cung nhà ở vốn đã hiếm nay càng trở nên hiếm hơn, khiến giá nhà chung cư gần đây tăng rất mạnh.

Cần quyết tâm, dồn nguồn lực

Phân tích những tồn tại và bất cập trên cũng dễ nhận thấy sự thiếu vắng vai trò của các doanh nghiệp khi thực thi chế độ, chính sách đối với người lao động, nhất là trong vấn đề “an cư lạc nghiệp”?

Là doanh nghiệp tham gia nhiều dự án nhà ở xã hội, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển nhà Hà Nội số 5 (HANDICO 5) Trần Văn Can chia sẻ: Các doanh nghiệp thường ít quan tâm đến nhà ở xã hội do lợi nhuận thấp và để triển khai một dự án phải mất 4-5 năm. Thêm vào đó là các thủ tục về phê duyệt giá, danh sách khách hàng hay việc quy định phải dành một phần diện tích nhà cho thuê nên nhiều doanh nghiệp “thờ ơ”.

"Dự án nhà ở xã hội thường vướng mắc trong xác định giá bán, khiến doanh nghiệp khó quyết toán; việc cấp “sổ hồng” cho người dân cũng chậm trễ. Bất cập nữa là theo quy định, doanh nghiệp xây nhà ở xã hội cho thuê được giảm 70% thuế giá trị gia tăng nhưng luật thuế lại không có quy định này? Với nhiều rắc rối như vậy doanh nghiệp sẽ dần mất động lực để làm các dự án tiếp theo”, đại diện chủ đầu tư một dự án nhà ở xã hội tại quận Long Biên cho biết.

Để giải bài toán khó về phát triển nhà ở xã hội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, trên cơ sở tổng hợp nhu cầu về nhà ở xã hội đến năm 2030 ước cần khoảng 6,8 triệu m2 sàn (tương đương 113.000 căn hộ), Hà Nội đưa ra 5 giải pháp thực hiện; trong đó, đẩy mạnh xây dựng các khu nhà ở xã hội độc lập, tập trung theo hướng hiện đại, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và xã hội.

Cụ thể, Hà Nội sẽ triển khai 5 khu nhà ở xã hội tập trung quy mô 280 ha; dự kiến khi hoàn thành đảm bảo cung cấp khoảng 2,3 triệu m2 sàn (tương đương 38.000 căn hộ). Bên cạnh đó, Hà Nội tiếp tục nghiên cứu 3 đến 5 địa điểm phát triển khu nhà ở xã hội độc lập; đồng thời, rà soát 68 ô đất thuộc quỹ đất 20%, 25% tại dự án nhà thương mại, khu đô thị để đề xuất phương án xây nhà ở xã hội…

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, Hà Nội sẽ dành nguồn lực hợp lý để xây nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội với mục tiêu nâng diện tích nhà ở bình quân đạt 29,5 m2 sàn/người; tỉ lệ diện tích nhà ở cho thuê trong các dự án nhà ở xã hội phải đạt tối thiểu 30%. Đối với dự án chậm triển khai, Hà Nội kiên quyết thu hồi; cân đối nhu cầu, cơ cấu các loại hình nhà ở để phân bổ phù hợp với từng khu vực.

"Hiến kế” để Hà Nội cũng như các địa phương khác tháo gỡ điểm “nghẽn” đầu tiên trong phát triển nhà ở xã hội, các chuyên gia cho rằng, cần sớm giải quyết được các vấn đề về thời gian, thủ tục, nguồn vốn cũng như hoạt động phân phối, bởi doanh nghiệp thường không chủ động được dòng tiền, trong khi đối tượng mua nhà, giá bán đều do Nhà nước quyết định.

Thấu hiểu nỗi khổ của hàng trăm nghìn công nhân lao động đang thuê trọ, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã đề nghị Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về nhà ở xã hội; trong đó, cần tách riêng chính sách về nhà ở cho công nhân để thu hút đầu tư cũng như tạo cơ chế để tổ chức Công đoàn là chủ thể tham gia xây nhà ở xã hội cho công nhân.

Một số chuyên gia cũng nêu ý kiến, để “giữ chân” người lao động trong khu công nghiệp thì quy hoạch phải đồng bộ, gắn liền với khu công nghiệp. Từng địa phương phải có kế hoạch, xây dựng cơ chế, chính sách riêng nhằm tạo ra quỹ đất thu hút nhà đầu tư.

"Chỉ khi Nhà nước và doanh nghiệp nhất quán mới có thể giải quyết được những ách tắc, tồn tại trên. Chúng ta không nên đề cao lợi nhuận, cần phải ưu tiên giá trị cốt lõi phục vụ cho xã hội, giúp người lao động an tâm làm việc, sản xuất”, một chuyên gia bày tỏ quan điểm.

Linh Khánh