Nhà ở xã hội - Bài 1: Nỗ lực không thể từ một phía
Phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế-xã hội. Thời gian qua, các địa phương tuy có cố gắng nhưng việc phát triển nhà ở xã hội vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn của người dân, trong khi cơ chế chính sách và quá trình thực thi còn bộc lộ nhiều hạn chế.
Mục tiêu thiết thực được Chính phủ đặt ra là xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ cho công nhân, người thu nhập thấp trong giai đoạn từ nay tới năm 2030. Để tăng nhanh quỹ nhà ở này đòi hỏi quyết tâm cao, hành động quyết liệt từ các bộ, ngành, địa phương và sự tham gia của doanh nghiệp, người dân.
Phóng viên TTXVN đã thực hiện chùm 5 bài làm rõ về những khó khăn và giải pháp cũng như kinh nghiệm để hướng tới mục tiêu tăng nhanh quỹ nhà ở xã hội, phù hợp khả năng chi trả của công nhân, người lao động... theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là “nói đi đôi với làm, không để người dân mất niềm tin”.
Bài 1: Nỗ lực không thể từ một phía
Trực tiếp chủ trì Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp tổ chức mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo: "Chúng ta không thể làm tất cả các việc cùng lúc, nhưng việc thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội đã đến lúc phải làm, góp phần thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược".
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành và đặc biệt là vai trò của địa phương, doanh nghiệp đã hoàn thành hàng trăm dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân gồm khoảng 7,8 triệu m2 nhà ở xã hội thời gian qua giúp hàng trăm nghìn hộ gia đình thu nhập thấp, công nhân được cải thiện nhà ở, có chỗ ở an toàn.
Tuy nhiên, quá trình triển khai các chính sách về nhà ở xã hội cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục nhằm thúc đẩy việc phát triển quỹ nhà ở này, giúp giải quyết tốt hơn nhu cầu cải thiện nhà ở của người dân. Đây chính là nhiệm vụ cấp bách được đặt ra.
Nỗ lực không thể từ một phía
Năm 2010, tòa nhà CT1 với 25 tầng nổi và 1 tầng hầm tại Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông, Hà Nội do CTCP Bê tông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai làm chủ đầu tư là một trong những khu chung cư dành cho người có thu nhập thấp đầu tiên trên địa bàn Hà Nội.
Dự án chỉ có 328 căn hộ nhưng lượng người có nhu cầu đăng ký quá cao khiến chủ đầu tư phải mở bán theo hình thức bốc thăm dưới sự giám sát và chấm điểm tiêu chí khắt khe từ Sở Xây dựng. Đây cũng chính là thời điểm bắt đầu loại hình nhà ở này được khuyến khích với những ưu đãi nhất định để tăng nguồn cung phục vụ người dân.
Sau tiên phong này, nhiều doanh nghiệp cả tư nhân lẫn "quốc doanh" đều đăng ký nhập cuộc và tạo ra hàng triệu m2 nhà ở xã hội từ loại hình nhà thu nhập thấp tại các đô thị như Hà Nội, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, TP HCM... hay mô hình nhà ở cho công nhân lao động ở Bình Dương, Bắc Ninh, Thái Nguyên...
Thế nhưng, "làn sóng" này cứ lặng dần bởi những bất cập khiến doanh nghiệp không mặn mà tham gia và là nguyên nhân dẫn đến việc số lượng nhà ở xã hội phát triển mới luôn xa vời so với nhu cầu thực tế.
Gần đây, nhiệt huyết phát triển nhà ở xã hội một lần nữa được khơi dậy với sự chủ động đăng ký tham gia của nhiều doanh nghiệp. Điều này thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ thông qua trợ lực chính sách và việc huy động cả hệ thống chính trị chung tay gỡ khó để phát triển phân khúc nhà ở này; đồng thời khuyến khích doanh nghiệp về ý thức trách nhiệm xã hội trước cộng đồng... Thế nhưng, những nỗ lực này cần đến từ nhiều phía.
Chủ tịch HĐQT Vinhomes Phạm Thiếu Hoa - Đại diện Tập đoàn Vingroup chia sẻ, Tập đoàn mong muốn ngày càng có nhiều những căn nhà đẹp, có những tiện ích cơ bản cho người thu nhập thấp. Việc triển khai nhà ở thu nhập thấp, nhà ở xã hội có thể không mang lại lợi nhuận nhiều nhưng có ý nghĩa xã hội to lớn.
Để đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp rất cần Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đồng hành hỗ trợ. Vingroup phấn đấu 5 năm tới sẽ đầu tư 500.000 căn nhà ở xã hội.
Ông Vũ Quang Hội - Chủ tịch Tập đoàn Bitexco lại cho rằng, nếu nghiên cứu thật nhanh, ban hành chính sách trong vòng 1 tuần, thì chỉ 2 năm là giải quyết được vấn đề nhà ở xã hội. Những người dân ở các khu công nghiệp sẽ được hưởng chính sách đầu tư sớm.
Trước đây xây nhà trọ cho công nhân hầu hết là tự phát của người dân địa phương. Thì nay cần có chính sách thu hút người dân tham gia xây nhà ở phục vụ công nhân theo tiêu chuẩn, quy chuẩn chung, được hưởng ưu đãi nhất định. Khi đó, họ cũng sẽ nhanh chóng nhập cuộc.
Theo ông Hội, ở thời điểm này, nền kinh tế tri thức gắn với các khu công nghệ cao rất nhiều. Chính vì vậy đối tượng hướng tới cũng cần mở rộng ra là trí thức, kỹ sư, chuyên gia kỹ thuật, chuyên gia cao cấp… Do đó, nên mở rộng đối tượng để xây các khu nhà cao cấp hơn, thu hút chuyên gia thuê dài hạn hoặc thuê -mua. Có thể chính sách này sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp lớn vào cuộc và cùng với chính quyền để thực hiện.
Đồng quan điểm, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín khẳng định sẵn sàng tham gia chương trình phát triển nhà ở xã hội nhưng cũng đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có cơ chế, chính sách cụ thể.
Với vai trò là chủ của Tập đoàn Him Lam, ông Minh phân tích, hiện nay Chính phủ đang tập trung vào vấn đề nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, huy động các doanh nghiệp nhưng trên thực tế, nguồn lực lớn nhất để xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân chính là ở người dân. Đơn cử như tại TP HCM có khoảng 700.000 phòng trọ cho công nhân. Nội dung này cần được nghiên cứu kỹ vì đây là vấn đề rất lớn nhưng quy chuẩn, tiêu chuẩn lại không có.
Ông Minh cho rằng, quan trọng nhất là phải xây dựng được tiêu chuẩn, quy chuẩn, huy động được nguồn lực của người dân mới là nguồn lực lớn, chứ còn nguồn lực của doanh nghiệp thì không đủ để đáp ứng nhu cầu.
Hiện công nhân đa số từ nông thôn lên thành phố làm việc, sau một thời gian họ cũng không ở lại mà trở về quê. Do vậy, cần phải quan tâm đến đối tượng này; đồng thời, cần có bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn thì mới cấp phép kinh doanh được cho loại hình sản phẩm này và giao cho Bộ Xây dựng thực hiện.
Khi xây dựng chính sách hỗ trợ về nguồn vốn để giúp người dân phát triển nhà ở công nhân cho thuê thì quan trọng nhất là làm sao để người dân tham gia tích cực, sau đó mới đến phần thu hút doanh nghiệp đồng hành.
Tập trung gỡ 4 nhóm nút thắt
Thực tế cho thấy, một trong những nhóm hạn chế được chỉ ra khi phát triển nhà ở xã hội chính là cơ chế, chính sách với nhiều nội dung chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời.
Cụ thể như trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, lựa chọn chủ đầu tư, quản lý mua - bán, thực hiện các chính sách ưu đãi nhà ở xã hội phải thực hiện qua nhiều bước nên thời gian kéo dài; chưa tính đủ các chi phí hợp lý hợp lệ; chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư chưa đủ hấp dẫn, không thực chất, khó thu hút. Đó là chưa kể trình tự đầu tư còn rườm rà, thủ tục nhiều bước và chưa có cơ chế huy động hợp tác công - tư.
Theo phản ánh của doanh nghiệp, hiện nay thủ tục phê duyệt dự án nhà ở xã hội rất lâu. Ông Phạm Thiếu Hoa - Chủ tịch HĐQT Vinhomes thẳng thắn chỉ rõ, thủ tục tối thiểu mất khoảng 600 ngày hoặc dài hơn.
Do đó, những bước nào làm song song được thì nên chấp thuận cho làm song song như hồ sơ đấu thầu công khai, lựa chọn nhà đầu tư… Nếu có thể thì nên rút ngắn thời gian xuống từ 90 đến 120 ngày để các địa phương công bố các đề án, dự án nhà ở xã hội, các doanh nghiệp tham gia nộp hồ sơ.
Cùng đó, chính quyền thực hiện quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết 1/500, với tinh thần rút ngắn thủ tục hành chính, có cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho các nhà đầu tư làm nhà ở xã hội bình đẳng, trung thực với các đơn vị, doanh nghiệp tham gia đầu tư - ông Hoa đề xuất.
Thậm chí, chủ doanh nghiệp có đất hoặc thu mua đất làm nhà ở xã hội xin được cơ chế chỉ định thầu, chứ không đấu thầu, còn các chỉ tiêu do cơ quan nhà nước phê duyệt.
Ngân sách nhà nước còn khó khăn, chưa bố trí được nguồn vốn ưu đãi cho vay phát triển nhà ở xã hội, các chính sách chưa thực tế để thu hút nhà đầu tư. Đây chính là nhóm vấn đề gây "rào cản" tiếp theo.
Ông Lê Hữu Nghĩa - Tổng giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Lê Thành chia sẻ, kể từ khi bắt đầu thủ tục xin dự án đến khi kết thúc dự án mất khoảng 5 năm mới có thể hoàn thiện và trải qua quy trình 5 bước. Thế nhưng, lợi nhuận định mức của nhà ở xã hội tối đa theo quy định là 10%. Mức lợi nhuận này khá là thấp khiến doanh nghiệp khó mặn mà tham gia.
Đại diện tỉnh Bình Dương cũng nhận xét, nguồn vốn dành cho phát triển nhà ở xã hội còn hạn chế dẫn đến việc một số chính sách hỗ trợ nhà theo quy định của pháp luật thực hiện chưa kịp thời, dứt điểm. Sau khi gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng kết thúc, cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội của người dân khó khăn hơn dù có gói tín dụng mới từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nhưng với quy mô nguồn vốn tín dụng được cấp nhỏ so với nhu cầu, người thu nhập thấp không dễ tiếp cận.
Dưới góc độ địa phương, đại diện tỉnh Bình Dương đề xuất mở rộng chính sách hỗ trợ cho vay đối với các hộ gia đình, cá nhân để đầu tư mới hoặc sửa chữa nhà trọ cho thuê trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chuẩn theo quy định để tăng nguồn cung.
Thêm một nhóm nội dung nữa được Chính phủ lưu ý sớm khắc phục là việc nhiều địa phương chưa quan tâm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động khu công nghiệp; chưa thực hiện phủ kín quy hoạch làm cơ sở xác định quỹ đất nhà ở xã hội; chưa đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm; người đứng đầu chưa quan tâm, linh hoạt, vận dụng, đôn đốc, kiểm tra...
Cùng đó, việc nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp chưa quan tâm đến nhà ở cho công nhân, người lao động của mình... cũng là thực trạng cần sớm có giải pháp.
Tạo chuyển biến
Thời gian tới, để thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Nhà nước trong việc phát triển kinh tế và chăm lo đời sống cho người dân, nhất là người lao động, người thu nhập thấp, việc phát triển nhà ở xã hội cần gắn với các quan điểm, định hướng lớn.
Phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở cho đối tượng thu nhập thấp được xác định là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, người đứng đầu các bộ, ngành và địa phương phải quan tâm và có trách nhiệm, quyết liệt thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp.
Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở cho người thu nhập thấp theo cơ chế thị trường, đồng thời có chính sách để hỗ trợ nhằm góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội, "không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần" - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Trên thực tế, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở cho người thu nhập thấp tại các địa phương cần gắn với phát triển thị trường bất động sản nhà ở, phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở trong từng giai đoạn của địa phương và tuân thủ pháp luật về nhà ở, quy hoạch, kế hoạch do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn và xác định việc phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân là một nhiệm vụ chính trị; trong đó cấp ủy, chính quyền địa phương là cấp quyết định sự thành công của chương trình phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân.
Ngoài ra, cần xác định vai trò của người dân trong việc phát triển nhà trọ tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Từ đó, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quản lý của địa phương để các hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng, phát triển nhà trọ tại đây nhằm đảm bảo an ninh, công bằng xã hội.
Bên cạnh việc huy động sức mạnh tổng hợp của xã hội, đặc biệt là từ doanh nghiệp, tập đoàn kinh doanh bất động sản lớn, cần tiếp tục có cơ chế, thu hút nguồn lực nhà đầu tư nước ngoài để phát triển nhà ở xã hội.
Để khắc phục những tồn tại, bất cập, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tập trung chỉ đạo và thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp. Điển hình là việc thống nhất một đầu mối thực hiện thủ tục lập, phê duyệt dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở cho người thu nhập thấp tại các địa phương, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của người đứng đầu.
Cùng đó là việc phân cấp, phân quyền, rà soát thủ tục hành chính để kiên quyết cắt giảm những thủ tục không cần thiết, cắt giảm thời gian thực hiện các thủ tục trong đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Đặc biệt, để tạo chuyển biến, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Xây dựng chủ trì lập "Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" với các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể làm căn cứ để triển khai đồng loạt.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/