|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn không có trong kịch bản điều hành nguồn cung xăng dầu quý II

15:21 | 15/03/2022
Chia sẻ
Bộ Công Thương đã làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để đánh giá khả năng sản xuất, cung ứng xăng dầu của nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn và thống nhất kịch bản điều hành nguồn cung xăng dầu quý II, không bao gồm nguồn cung từ nhà máy này.

Đây là thông tin được Bộ Công thương báo cáo gửi Quốc hội phục vụ phiên chất vấn tại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vào ngày mai (16/3).

Theo Bộ Công Thương, từ đầu tháng 1 và tháng 2, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cắt giảm sản lượng sản xuất xuống mức 55-80% công suất và có thời gian gặp sự cố kỹ thuật nên phải ngừng sản xuất.

Vì vậy, doanh nghiệp không bảo đảm việc cung cấp xăng dầu cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo các hợp đồng đã ký, đã ảnh hưởng đến hoạt động cung ứng xăng dầu liên tục cho thị trường trong nước.

Theo báo cáo của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, từ đầu tháng 1, nhà máy đã giảm công suất từ mức 100% xuống mức 80% và sau đó chỉ ở mức 55-60% công suất.

Do cắt giảm công suất sản xuất nên việc giao hàng thực tế cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước trong tháng 2 đã bị giảm 50% so với kế hoạch (kế hoạch giao là 739.900 m3, nhưng thực tế chỉ giao được 365.200 m3; trong đó xăng giảm 40% và dầu DO giảm 58%).

Lượng xăng dầu tháng 3 giảm 20% so với kế hoạch (kế hoạch giao 680.000 m3 nhưng dự kiến giao hàng chỉ là 556.000 m3 trong đó xăng giảm 5%, dầu giảm 30%).

Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn không có trong kịch bản điều hành nguồn cung xăng dầu quý II - Ảnh 1.

Từ tháng 4, chưa rõ khả năng giao hàng của Lọc dầu Nghi Sơn. (Ảnh: Thanh Niên)

Nguồn cung xăng dầu trong nước giảm, cuối tháng 1, Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn đã nâng công suất nhà máy lên 103% và từ ngày 7/2 đã nâng công suất lên 105%.

Theo đó, nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn sẽ cung cấp cho thị trường 350.000 m3 xăng và 270.000 m3 dầu mỗi tháng. Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho biết mức tăng thêm 5% (tương đương 28.000 m3 xăng dầu) chưa đủ bù đắp lượng thiếu hụt do nhà máy Nghi Sơn giảm công suất).

Do vậy, Bộ Công Thương cho biết tháng 3, lượng cung xăng dầu cho thị trường từ nguồn trong nước vẫn thấp so với các tháng thông thường do lượng cung ứng xăng dầu từ sản xuất trong nước tiếp tục giảm (nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn vẫn tiếp tục giảm công suất).

Dự kiến tháng 3 giảm so với kế hoạch 20%, chỉ cung cấp được khoảng 80% kế hoạch theo tháng (kế hoạch giao 680.000 m3 nhưng dự kiến giao hàng là 556.000 m3, trong đó xăng giảm 5%, dầu giảm 30%).

Tuy nhiên, tồn kho từ tháng 2 chuyển sang cùng với việc các thương nhân đầu mối tiếp tục nhập khẩu xăng dầu theo kế hoạch đã được Bộ Công Thương phân giao từ đầu năm 2022 và nhập khẩu bổ sung để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước theo chỉ đạo của Bộ nên nguồn cung cho xăng dầu trong nước tháng 3 sẽ cơ bản được đáp ứng đủ.

Hiện nay, nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn chưa có kế hoạch giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh vào tháng 4 và tháng 5, đặc biệt sau tháng 5 cũng chưa rõ về khả năng duy trì sản xuất của Nhà máy.

"Bộ Công Thương đã cùng với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đánh giá khả năng sản xuất, cung ứng xăng dầu của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và thống nhất kịch bản điều hành nguồn cung xăng dầu quý II cho thị trường trong nước không bao gồm nguồn cung từ nhà máy này", Bộ Công Thương cho biết.

Bộ Công thương đã giao cho 10 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước (không tính nguồn cung từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn), đảm bảo đủ xăng dầu cung ứng cho thị trường nội địa trong quý II.

Hoàng Anh

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.