|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Lọc dầu Dung Quất muốn xin ưu đãi bằng Nghi Sơn

15:38 | 06/11/2018
Chia sẻ
UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa kiến nghị Chính phủ đề xuất một loạt chính sách cho nhà máy lọc dầu Dung Quất của Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) được hưởng cơ chế như nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.
loc dau dung quat muon xin uu dai bang nghi son
Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất gặp khó khăn một phần do Nghi Sơn sản xuất ra thị trường - Ảnh: N.AN

Theo văn bản được địa phương này gửi đến Chính phủ vào đầu tháng 11-2018, nhà máy lọc dầu Dung Quất đang gặp khó khăn do chịu nhiều tác động từ diễn biến giá dầu thô của thế giới và nguồn cung sản phẩm ra thị trường tăng mạnh.

Đáng chú ý là việc nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cung cấp sản phẩm ra thị trường nội địa từ tháng 5-2018 đến nay, đúng thời điểm nhu cầu thị trường khá thấp, nguồn cung từ nhập khẩu và nguồn hàng của BSR lại khá dồi dào.

"Thực tế này khiến cho thị trường bị dư thừa nguồn cung, dẫn tới việc tiêu thụ cũng như giá bán các sản phẩm xăng dầu của BSR bị ảnh hưởng lớn và theo hướng bất lợi" - văn bản nêu rõ.

Theo đó, thị trường sẽ tiếp tục dư thừa một lượng xăng dầu rất lớn vì khối lượng xăng của Nghi Sơn đã sản xuất từ tháng 6-2018 vẫn chưa tiêu thụ hết và vẫn đang còn nằm ở các kho tại phía Nam và phía Bắc.

Dự kiến, lượng cung vượt cầu khi lên tới 800.000 đến 1 triệu mét khối xăng các loại, gây áp lực lên việc tiêu thụ sản phẩm cuối năm 2018 và các năm tới.

Tỉnh này cũng dẫn ra ý kiến từ khách hàng tiêu thụ xăng lớn nhất là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), do giá bán rất thấp khiến cho mức chiết khấu trên thị trường thay đổi liên tục, ảnh hưởng rất lớn đến đầu ra và tồn kho của nhiều đầu mối, làm cho thị trường bất ổn.

Cũng theo tỉnh Quảng Ngãi, trong bối cảnh tiêu thụ trên thị trường gặp khó khăn như vậy, BSR còn gặp khó khăn về cơ chế chính sách, đáng chú ý là nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đang có nhiều ưu đãi hơn hẵn so với Dung Quất.

Chẳng hạn như cơ chế cấp bù 3% với các sản phẩm hóa dầu khác, 5% với LPG và 7% cho xăng dầu Nghi Sơn được hưởng nhưng Dung Quất không còn được hưởng.

Thời hạn áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp 10% cho Nghi Sơn là suốt đời doanh nghiệp trong khi Bình Sơn là 30 năm kể từ khi hoạt động.

Thuế nhập khẩu dầu thô của Nghi Sơn là 0% trong khi của Bình Sơn là 5% còn thuế xuất khẩu là 0%, nhưng của BSR không thuộc đối tượng chịu thuế nên không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng khi mua vào tương ứng;

Hoặc cơ chế cho Nghi Sơn được tự do chuyển đổi ngoại tệ trong khi Bình Sơn phải xin phép Ngân hàng Nhà nước...

Chưa kể, lọc hóa dầu Dung Quất còn gặp khó khăn trong triển khai dự án nâng cấp, mở rộng do không được Chính phủ bảo lãnh vay vốn dẫn tới khó khăn trong thu xếp vốn và hiệu quả dự án.

Theo đó, Quảng Ngãi kiến nghị Chính phủ cho BSR được giữ nguyên cơ chế hiện nay theo Quyết định 1725 với một số cơ chế tài chính ưu đãi, nhằm đảm bảo tính cạnh tranh theo cơ chế thị trường.

Đồng thời có cơ chế chính sách hỗ trợ BSR thay thế cho việc cấp bảo lãnh chính phủ để BSR có năng lực tài chính huy động nguồn vốn vay trên thị trường vốn, thúc đẩy triển khai dự án nâng cấp mở rộng.

Tỉnh này đề nghị xem xét chấp thuận điều chỉnh mức thuế suất nhập khẩu dầu thô từ Azebaijan và các loại dầu thô nhập khẩu khác tương tự như Nghi Sơn là 0% cũng như loại bỏ các sản phẩm được chế biến từ tài nguyên dầu thô ra khỏi danh sách sản phẩm không chịu thuế giá trị gia tăng khi xuất khẩu.

Xem thêm

N. AN