'Lọc hóa dầu Nghi Sơn thiếu vốn là vấn đề nội tại, doanh nghiệp vẫn phải đảm bảo đủ nguồn cung xăng dầu'
Chiều ngày 28/1, trả lời câu hỏi của báo chí bên lề cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 1/2022 về việc sụt giảm công suất của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trách nhiệm của doanh nghiệp là đảm bảo cung cấp sản lượng xăng dầu theo đúng hợp đồng đã ký kết và theo quy định tại Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn hiện cung ứng khoảng 30-35% thị phần xăng dầu tại Việt Nam, vậy nên chỉ cần có sự thay đổi trong hoạt động của nhà máy này thì chắc chắn có tác động nhất định đến một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước.
Trước tình hình đó, ngày 24/1, Bộ Công Thương đã gửi yêu cầu NSRP báo cáo tình hình sản xuất xăng dầu, nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất xăng dầu theo đúng kế hoạch sản xuất xăng dầu, nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất xăng dầu, tiêu thụ sản phẩm xăng dầu đã đăng ký với Bộ Công Thương năm 2022.
Đồng thời, báo cáo kế hoạch giao hàng cho các khách hàng đã ký kết hợp đồng trong Quý I và các tháng kế tiếp năm 2022.
Tại công văn trả lời Bộ Công Thương, NSRP cho hay lý do dẫn đến hủy mua các chuyến dầu thô và giảm công suất nhà máy so với kế hoạch là tình hình tài chính khó khăn của doanh nghiệp.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, vấn đề khó khăn là ở nội tại doanh nghiệp, tuy nhiên trách nhiệm của NSRP là phải đảm bảo cung cấp đủ sản lượng mặt hàng xăng dầu thành phẩm cho các đầu mối kinh doanh xăng dầu theo đúng hợp đồng đã ký kết.
Cụ thể, để đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường nội địa, đặc biệt trong thời điểm trước Tết Nguyên đán, Bộ Công Thương đề nghị NSRP nâng cao trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường, tuân thủ việc thực hiện các Hợp đồng giao xăng dầu đã ký kết với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Điều này nhằm tránh xảy ra việc đứt gãy nguồn cung đột ngột, gây khó khăn cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu trong việc tìm kiếm nguồn hàng thay thế cung cấp cho thị trường nội địa.
Trước đó, Bộ Công Thương đã có văn bản và liên hệ trực tiếp với một số đầu mối kinh doanh xăng dầu, đặc biệt những doanh nghiệp có thị trường lớn như Petrolimex, PVOil,… chủ động tìm nguồn cung, đảm bảo an ninh năng lượng.