Doanh nghiệp xăng dầu chật vật tìm nguồn cung mới
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ - Sản xuất Thắng Thành, đơn vị sở hữu 5 cửa hàng xăng dầu nằm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, cho biết ông buộc phải đóng cửa một số cửa hàng do thiếu nguồn cung trầm trọng và giá bán ra thấp hơn giá nhập vào, theo Zing News.
"Một lít xăng dầu nhập về cao hơn bán ra 200 đồng vì giá xăng dầu bán ra theo quy định của nhà nước. Càng bán càng lỗ nặng", ông Thắng nói.
Theo ông Thắng, gần đây thương nhân đầu mối không những cắt giảm hoa hồng đến mức quá thấp mà bản thân doanh nghiệp bán lẻ còn phải tự bỏ ra chi phí để vận chuyển xăng, dầu từ kho đầu mối về cửa hàng. Tính ra một ngày doanh nghiệp mất khoảng vài triệu đến vài chục triệu đồng vì chịu thêm nhiều chi phí.
Ngoài ra, ông cho biết gần đây nguồn cung xăng dầu cũng không dồi dào như trước. "Mỗi lần nhập, doanh nghiệp chỉ được cung ứng khoảng 12 m3 xăng, dầu chứ không được 24 m3 như trước vì thiếu hàng", giám đốc doanh nghiệp này nói.
Thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực xăng dầu đang rơi vào thế khó khi nguồn cung xăng dầu giảm, giá mua cộng vào và các chi phí kèm theo cao hơn giá bán ra.
Không đến nỗi phải đóng cửa nhưng CTCP xăng dầu Tự Lực 1 cũng vô cùng chật vật khi tìm kiếm nguồn cung mới.
Ông Nguyễn Văn Tiu, Giám đốc Xăng dầu Tự Lực 1 cho biết hiện nay mức chiết khấu cho mỗi lít xăng, dầu đều giảm mạnh, còn khoảng 200-300 đồng/lít.
"Bộ Công Thương đã có chỉ đạo về việc các doanh nghiệp đầu mối có kế hoạch nhập khẩu, bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước.
Do đó, công ty cũng chủ động triển khai cố gắng nhập hàng từ nhiều đơn vị khác để đảm bảo cung ứng đủ xăng dầu cho các đơn vị tiêu thụ trong hệ thống", ông Tiu nói.
Là doanh nghiệp nhập khoảng 235.000-265.000 m3 xăng dầu/tháng từ nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho rằng sự việc nhà máy lọc dầu Nghi Sơn ngưng cung cấp xăng dầu mà không có lý do thỏa đáng là rất nghiêm trọng, không tuân thủ hợp đồng và thông lệ quốc tế. Điều này khiến Petrolimex không thể có giải pháp xử lý kịp thời.
"Petrolimex sẽ yêu cầu doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm của Nghi Sơn, nếu cung ứng thiếu so với hợp đồng phải có nghĩa vụ mua bổ sung nguồn hàng thay thế theo quy định của Nghị Định 95.
Chúng tôi cũng sẽ cố gắng tìm kiếm nguồn hàng nhập khẩu bổ sung và điều tiết hệ thống phân phối để đáp ứng tốt nhất theo khả năng và tồn kho thị trường", đại diện Petrolimex cho biết.
Về vấn đề này, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết ngay khi nhận được thông tin Bộ đã làm việc với lãnh đạo nhà máy cùng các doanh nghiệp kinh doanh, phân phối xăng dầu nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước.
Bộ có trách nhiệm trong việc đảm bảo nguồn cung thị trường trong nước và sẽ có chỉ đạo để doanh nghiệp thực hiện nghiêm vấn đề này.