|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nhà máy hạt nhân của Iran bốc cháy, nghi ngờ do nước ngoài phá hoại

07:50 | 06/07/2020
Chia sẻ
Ngày 5/7, quan chức Iran cho biết một vụ hỏa hoạn đã xảy ra tại cơ sở hạt nhân Natanz của nước này hôm 2/7. Vụ việc gây ra thiệt hại lớn và có thể làm chậm tiến trình phát triển máy li tâm tiên tiến.
Iran xác nhận xảy ra hỏa hoạn tại cơ sở hạt nhân nòng cốt - Ảnh 1.

Lãnh tụ tối cáo Ali Khamenei trong một sự kiện hồi tháng 6 năm nay. (Ảnh: Anadolu Agency)

Ngày 3/7, cơ quan an ninh hàng đầu của Iran cho biết nguyên nhân của sự cố và vụ hỏa hoạn tại cơ sở hạt nhân Natanz đã được xác định và chính phủ sẽ sớm phát đi thông báo cụ thể.

Theo đưa tin từ CNBC, một số quan chức Iran cho hay vụ việc trên có thể là kết quả của một cuộc tấn công mạng, thậm chí một quan chức còn cảnh báo Tehran sẽ trả đũa bất kì quốc gia nào thực hiện các cuộc tấn công như vậy.

"Sự cố này có thể làm chậm tiến trình phát triển và sản xuất máy li tâm tiên tiến trong trung hạn. Iran sẽ thay thế tòa nhà bị hư hỏng bằng một tòa nhà lớn có trang bị thiết bị hiện đại hơn", hãng thông tấn IRNA dẫn lời phát ngôn viên Behrouz Kamalvandi của Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran cho hay.

"Sự cố đó gây ra thiệt hại lớn nhưng không có thương vong về người", ông Kamalvandi nói thêm.

Chia sẻ với Reuters hôm 3/7, ba quan chức Iran giấu tên cho hay họ tin vụ cháy là kết quả của một vụ tấn công mạng nhưng không chỉ ra bất kì bằng chứng nào.

Iran xác nhận xảy ra hỏa hoạn tại cơ sở hạt nhân nòng cốt - Ảnh 2.

Bức ảnh được cho là một phần nhà kho nằm trên mặt đất của Natanz bốc cháy và bị hư hỏng sau vụ việc hôm 2/7. (Ảnh: Reuters)

Hôm 2/7, một bài báo của IRNA đã đề cập đến khả năng một số kẻ thù của Iran như Israel và Mỹ đứng sau vụ tấn công nhưng không đưa ra một cáo buộc trực tiếp nào.

Hôm 5/7, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Israel cho biết Israel "chưa chắc" đứng sau mọi sự cố bí ẩn ở Iran.

Năm 2010, người ta đã phát hiện ra virus máy tính Stuxnet sau khi virus này được dùng để tấn công cơ sở hạt nhân Natanz. Giới quan sát nhìn chung nhận định virus Stuxnet do Mỹ và Israel phát triển.

Nhà máy làm giàu nhiên liệu Natanz (FEP) - cơ sở làm giàu uranium chính của Iran và phần lớn đều nằm dưới lòng đất, là một trong nhiều cơ sở năng lượng của Iran được giám sát bởi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).

Hôm 3/7, IAEA cho biết vị trí xảy ra hỏa hoạn không chứa vật liệu hạt nhân và không có thanh tra viên nào có mặt tại thời điểm đó.

Natanz là trung tâm của chương trình làm giàu uranium của Iran và chính quyền Tehran khẳng định cơ sở này chỉ dành cho mục đích hòa bình. Các cơ quan tình báo phương Tây và IAEA tin rằng Iran đã vận hành một chương trình hạt nhân phối hợp và bí mật tại Natanz, sau đó tạm dừng vào năm 2003. Tuy nhiên, Tehran phủ nhận đang theo đuổi vũ khí hạt nhân.

Trong một thỏa thuận với 6 cường quốc thế giới vào năm 2015, Iran đã đồng ý hạn chế chương trình hạt nhân để được dỡ bỏ hầu hết các lệnh trừng phạt quốc tế.

Tuy nhiên, Tehran đã giảm dần các cam kết của mình kể từ khi chính quyền Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận trên vào năm 2018 và áp dụng lại cũng như tăng cường các biện pháp trừng phạt, gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế Iran.

Thỏa thuận năm 2015 chỉ cho phép Iran làm giàu uranium tại cơ sở Natanz với hơn 5.000 máy li tâm IR-1 thế hệ đầu tiên, tuy nhiên Iran đã lắp đặt thêm các dòng máy li tâm tiên tiến hơn về sau.

Trong khi đó, Israel ủng hộ chính sách "gây áp lực tối đa" của ông Trump với chính quyền Tehran nhằm buộc Iran phải đồng ý kí một thỏa thuận mới, trong đó nêu ra các hạn chế chặt chẽ hơn về hạt nhân, cắt giảm chương trình tên lửa đạn đạo và chấm dứt chiến tranh ủy nhiệm (proxy war) trong khu vực.

Iran cho biết họ sẽ không đàm phán khi các lệnh cấm vận còn giữ nguyên.

Khả Nhân