Nhà máy Đường Phổ Phong phải có kế hoạch thu mua hết mía cho người dân
Kế hoạch vụ 2018 – 2019, diện tích mía trên địa bàn tỉnh trên 2.783 ha, giảm hơn 199ha so với vụ mía 2017 – 2018, năng suất bình quân đạt 59 tấn/ha. Trong đó, diện tích mà Nhà máy Đường Phổ Phong đầu tư ở các huyện là 2.050 ha và dân tự đầu tư hơn 305 ha.
Đến nay, nhà máy đã tiến hành thu mua trên 390ha, năng suất trên 50 tấn/ha, sản lượng trên 19.500 tấn. Giá thu mua là 770.000 đồng/tấn (10ccs), 716.000 đồng/tấn (9ccs) và 590.000 đồng/tấn (dưới 9ccs).
Hiện nhà máy tiến hành thu mua chậm so với với tiến độ, dẫn đến mía chín đồng loạt, chữ đường giảm xuống thấp cộng với giá nhân công lao động tăng cao khiến người trồng mía bị thua lỗ, không có vốn để đầu tư cho vụ tiếp theo, ảnh hưởng đến đời sống của người trồng mía.
Một số người trồng mía không tìm được nhân công lao động thu hoạch mía đã bỏ mía không thu hoạch hoặc chặt bỏ để trồng cây khác. Với những khó khăn đang gặp phải, nguy cơ Quảng Ngãi mất vùng nguyên liệu mía là rất lớn.
Người trồng mía đang gặp khó khăn trong khâu thu hoạch và giá mía xuống thấp.
Trước thực trạng trên, Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Văn Tô và lãnh đạo các huyện kiến nghị nhà máy cần chủ động lên kế hoạch thu mua mía nhanh, hạn chế tối đa thời gian thu hoạch kéo dài, làm giảm năng suất, chữ đường của mía, dẫn đến giảm hiệu quả kinh tế và niềm tin của nông dân.
Đại diện Công ty CP Đường Quảng Ngãi, ông Trần Ngọc Phương giải thích: Với việc gia nhập vào khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), sự cạnh tranh gay gắt về giá cả hàng hóa đang diễn ra và mặt hàng đường là một trong những sản phẩm đang chịu sự cạnh tranh quyết liệt nhất, đối mặt với nhiều thách thức.
Khi tham gia hội nhập, các nhà máy đường trong nước chuẩn bị chưa kịp. Công suất của Nhà máy Đường Phổ Phong là 2.200 tấn mía/ngày, thấp hơn nhiều so với các nhà máy trong nước. Với giá đường 10.600 đồng/kg như hiện nay, thì giá mía chỉ khoảng 605.700 đồng/tấn, nhưng hiện nhà máy thu mua với giá 770.000 đồng/tấn tại ruộng. Nhà máy chấp nhận lỗ để giữ giá mía, giữ vùng nguyên liệu, giữ lao động, vì thế, rất mong người dân chia sẻ.
Ông Phương cũng thừa nhận, việc thu mua chậm là thiếu do nhân công lao động, thiếu xe vận chuyển vì chuyển sang thu hoạch cây keo. Nhà máy đã thuê xe ở Bình Định, Quảng Nam để tiếp tục vận chuyển mía cho nông dân. Nhà máy mới hoạt động với công suất 1.400 tấn/ngày, nên cam kết sẽ cố gắng khắc phục khó khăn để thu mua hết mía cho dân.
Sau khi nghe các đơn vị báo cáo, giải trình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tăng Bính chia sẻ với những khó khăn của nhà máy. Tuy nhiên để giữ vùng nguyên liệu và thực hiện cam kết của nhà máy với nông dân, Công ty CP Đường Quảng Ngãi, Nhà máy Đường Phổ Phong cần khẩn trương làm việc với các huyện, khảo sát lại diện tích mía, có kế hoạch tăng công suất ép của nhà máy lên tối đa để kịp thời tiêu thụ mía cho nông dân.
Việc khó khăn trong nhân công thu hoạch, các huyện sẽ huy động lực lượng thanh niên, xung phong, quân đội thu hoạch giúp, giảm tối đa thiệt hại cho người trồng mía.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng lưu ý, nhà máy cần tính toán lại chính sách hỗ trợ, giải pháp áp dụng khoa học kỹ thuật, tăng năng suất mía, năng suất lao động, tăng chất lượng từ khâu giống đến khâu làm đất, tưới, năng suất thu hoạch thì nhà máy mới hoạt động hiệu quả, giữ được vùng nguyên liệu mía.
Giao cho ngành nông nghiệp và các huyện rà soát lại quy hoạch vùng nguyên liệu mía, đẩy mạnh thực hiện dồn điền đổi thửa, áp dụng cơ giới hóa trong canh tác mía để nâng cao hiệu quả của cây mía.