Nhà ga sân bay Long Thành sau một năm xây dựng
Sau một năm khởi công, gói thầu nhà ga với tổng mức đầu tư 35.000 tỷ đồng được xem là "trái tim sân bay Long Thành" đã thành hình. Nhìn từ trên cao hình dáng cánh hoa sen đã hiện rõ nằm bên cạnh đường băng cất hạ cánh cùng thi công song song.
Hiện Liên danh Vietur huy động 8.000 kỹ sư công nhân thi công ngày đêm nhằm đảm bảo tiến độ chủ đầu tư đề ra. 4 ngày nghỉ lễ sắp tới, công trường sân bay Long Thành vẫn duy trì nhịp độ công việc.
Hầu hết các gói thầu ở nhà ga hành khách đã cất nóc, cơ bản hoàn thành toàn bộ phần bê tông cốt thép cột, dầm sàn lầu 1, 2,3 và đang triển khai thi công bêtông cốt thép những hạng mục cuối cùng ở dầm sàn lầu 4.
Một tuần trước, đơn vị thi công bắt đầu lắp ráp khung thép để lợp mái ở hai cánh nhà ga. Theo Liên danh nhà thầu thi công, các kiện thép được nhập khẩu từ nước ngoài và kiểm định chất lượng trước khi đưa vào công trường.
"Làm công trình xây dựng nhiều năm nay song được thi công ở sân bay Long Thành là một vinh dự, nên anh em ai điều cố gắng tuân thủ kỹ thuật, thiết kế để đảm bảo chất lượng đề ra", anh Nam, một công nhân nói.
Cần cẩu đưa các kiện thép lên lắp ráp phần mái nhà ga sân bay Long Thành. Để đảm bảo chất lượng các thanh thép, các cần cẩu được đưa đến công trường có công suất 600-800 tấn.
Theo ACV, dự kiến nhà ga hoàn thành toàn bộ phần xây dựng trong năm 2025, lắp đặt thiết bị vận hành thử từ đầu năm 2026 và phấn đấu hoàn thành toàn bộ các hạng mục trong tháng 8/2026.
Cầu thang từ lầu 3 đi lên lầu 4 bên trong nhà ga sân bay Long Thành. Liên danh Incheon Airport đã trúng gói thầu tư vấn quản lý, khai thác sân bay Long Thành.
Sân bay Long Thành nhìn tổng thể với đường băng, nhà ga.
Mới đây, Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã đề xuất xây đường băng số 2 và đường lăn thuộc dự án sân bay Long Thành giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư hơn 3.455 tỷ đồng, hoàn thành năm 2027. Đường băng này nằm song song với đường băng hiện hữu, nằm trong diện tích giai đoạn 1 đã giải phóng mặt bằng.
Một phần đường băng cất hạ cánh cơ bản hoàn thành.
Theo chủ đầu tư, đường băng sân bay Long Thành dài 4 km, rộng 45 m. Ngoài đường cất hạ cánh, gói thầu trên còn có đường lăn, đường lăn nối, đường lăn thoát nhanh, sân đỗ tàu bay, sân đỗ các phương tiện phục vụ mặt đất với 7.200 tỷ đồng.
Công nhân đổ bêtông xây đường lăn, sân đỗ hôm 29/8. Dự kiến đường cất hạ cánh sẽ hoàn thành, khai thác kỹ thuật trước ngày 30/4/2025.
Tháp không lưu cùng công trình phụ trợ có tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng. Đài được thiết kế hình búp sen có màu sắc và kiến trúc hài hòa với nhà ga hành khách. Tháp điều hành cao 123 m gắn radar trên đỉnh, diện tích xây dựng khoảng 80 m2, đường kính thân tháp 10 m.
Đến nay, tháp đã xây dựng được hơn 100 m, dự kiến tháng 6/2025 hoàn thành.
Ngoài các gói thầu chính ở trong sân bay, Liên danh Đèo Cả đang nỗ lực thi công 2 tuyến đường T1 và T2 kết nối sân bay Long Thành với quốc lộ 51 và cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây với 2.630 tỷ đồng. Theo liên danh nhà thầu, thời gian hoàn thành dự án theo tiến độ hợp đồng là cuối năm sau. Tuy nhiên, các đơn vị đang nỗ lực để xong công trình vào dịp 2/9/2025, vượt tiến độ gần 4 tháng.
Phối cảnh sân bay Long Thành khi hoàn thành. Ảnh: ACV
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành rộng 5.000 ha có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 336.630 tỷ đồng. Giai đoạn một, sân bay xây một đường cất hạ cánh, nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ với công suất 25 triệu khách mỗi năm, dự kiến hoàn thành năm 2026.