Nhà đầu tư tiền số bối rối vì không được phân chia đều token Luna 2.0, nghi ngờ về dự án 'hồi sinh' của Do Kwon
Những người ủng hộ dự án Terra đã thông qua kế hoạch hồi sinh liên doanh về đồng tiền điện tử đang trên đà sụp đổ này. Cụ thể, sau 7 ngày bỏ phiếu, đề xuất “hồi sinh” Terra bằng đồng Luna 2.0 đã chính thức được thông qua vào lúc 18h ngày 25/5 (giờ Việt Nam).
Theo CNBC, đã có khoảng 306/368 triệu token quản trị được người nắm giữ sử dụng để tham gia bỏ phiếu. “Với sự ủng hộ rộng rãi, hệ sinh thái Terra đã bỏ phiếu thông qua Đề xuất 1623, kêu gọi sự ra đời của một chuỗi khối mới và bảo vệ cộng đồng của chúng tôi”, tài khoản Twitter chính thức của Terra chia sẻ.
Đề xuất này sẽ dẫn đến việc tạo ra một blockchain mới - một sổ cái giao dịch được chia sẻ - và mã thông báo Luna liên quan của nó. Một blockchain mới sẽ ra đời mà không cần đến các stablecoin thuật toán. Mã thông báo Terra (Luna) cũ sẽ được đổi tên thành Terra Classic (Lunc), còn mã thông báo mới vẫn mang tên Terra (Luna).
Theo đề xuất mới, Terra có kế hoạch phân phối mã thông báo cho những người nắm giữ mã thông báo Luna cũ, được đổi tên thành “Luna Classic”, và mã thông báo UST.
Khoảng 30% mã thông báo sẽ được chuyển đến một nhóm các nhà đầu tư trong cộng đồng Terra; 35% sẽ thuộc về những người nắm giữ đồng Luna trước khi nó sụp đổ; 10% cho những người nắm giữ UST trước khi nó sụp đổ và 25% mã thông báo tiếp theo sẽ được phân bổ cho các nhà giao dịch vẫn sở hữu Luna và UST sau sự cố.
Tận dụng cơ hội này, các nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư nhỏ lẻ đã “tranh thủ” mua vào token Luna cũ (Lunc) để nhận airdrop sang token Luna mới. Phương Trang, một nhân viên văn phòng tại Hà Nội đồng thời cũng là một nhà đầu tư nhỏ lẻ cho biết đã mua vào tới 5 triệu đồng Lunc cũ với tổng giá trị khoảng 15 triệu đồng. Dù vậy, khi kế hoạch phân phối được thực hiện, mọi thứ lại không diễn ra theo đúng suy nghĩ của chị.
“Tôi mua vào khoảng 5 triệu đồng Lunc với hy vọng được airdrop sang mã Luna mới. Tuy nhiên, khi kế hoạch được thực hiện, tôi chỉ nhận về có 5 mã Lunc mới, hiện chúng có tổng giá trị khoảng hơn 1 triệu đồng. Trong khi đó, những mã Luna cũ xuất hiện trở lại với tên Lunc như đã nói. Nếu không được chuyển đổi toàn bộ số token Lunc còn lại, tôi cũng không biết phải làm gì với chúng”, chị Trang chia sẻ.
Trong khi đó, chị Phương Nga, người đã tham gia đầu tư tiền số trong vài năm gần đây chia sẻ: “Tôi đã đầu tư vào Luna trước khi đồng tiền số này sụp đổ. Thật sự tôi không biết phải làm gì vào thời điểm đó. Tuy nhiên, khi biết tin Terraform Labs (đơn vị đứng sau dự án Terra) có kế hoạch hồi sinh Luna, tôi đã cố gắng giữ, thậm chí mua thêm khoảng 1 triệu mã Luna cũ. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, tôi vẫn chưa được airdrop sang mã Luna mới, còn số Luna cũ thì có tên gọi là Lunc, song giá trị vẫn như cũ. Điều này khiến tôi cảm thấy tương đối thất vọng”.
Kể từ khi Terraform Labs chính thức thực hiện kế hoạch hồi sinh Luna bằng đồng Luna mới, trên các nền tảng mạng xã hội cũng xuất hiện hàng loạt bài viết nói về đồng tiền số này.
Cụ thể, trên mạng xã hội Facebook, một fanpage chuyên về tiền số có tên C. đã đưa ra quan điểm không nên mua và nắm giữ Luna mới vì đồng tiền này mới niêm yết trên sàn, cần quan sát thêm hành động giá. Bên cạnh đó, page này cũng chia sẻ rằng sẽ có một lượng lớn Luna mới được airdrop cho những người nắm giữ Luna cũ và UST, nhiều khả năng những người này sẽ xả ngay khi nhận được airdrop.
Trong khi đó, một nhà đầu tư nước ngoài có tên J. Smith dường như lại đặt niềm tin vào Luna 2.0. “Luna 2.0 sẽ là một dự án khổng lồ”, nhà đầu tư này chia sẻ trong một nhóm đầu tư về tiền số trên Facebook.
Tính đến sáng 31/5, giá Luna mới được giao dịch ở quanh vùng 10 USD. Trong khi đó, giá Luna cũ (Lunc) vẫn được giao dịch ở mức dưới 1 USD, theo dữ liệu từ Coinmarketcap.
Nhiều nhà nghiên cứu thị trường vẫn không tin rằng kế hoạch hồi sinh của Terra sẽ đem lại hiệu quả. Vijay Ayyar, người đứng đầu bộ phận quốc tế tại sàn giao dịch tiền điện tử Luno, cho biết: “Niềm tin dành cho dự án Terra đã chạm đáy. Thị trường tiền điện tử là một nơi đông đúc, với hàng loạt dự án của các nhà phát triển. Tôi không hiểu vì sao Terra lại có thể thành công trước khi nó sụp đổ".
Sự thất bại của Terra đã đánh gục niềm tin của nhà đầu tư vào bitcoin nói riêng và thị trường tiền điện tử nói chung. Tổng giá trị vốn hóa thị trường tiền điện tử đã “bốc hơi” khoảng 600 tỷ USD chỉ trong một tháng.
Các nhà quản lý cấp cao ngày càng tỏ ra lo ngại với tiền điện tử. Những người như Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Janet Yellen và Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde đều kêu gọi tạo ra những bộ quy định khẩn cấp về tiền điện tử - đặc biệt là stablecoin.