|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Mạo danh Adam Khoo - tác giả cuốn 'Tôi tài giỏi, bạn cũng thế', để lừa tiền hơn 80.000 người trên Telegram

07:11 | 10/06/2022
Chia sẻ
Telegram là một nền tảng phổ biến trong giới đầu tư tài chính như chứng khoán hay tiền số, song nơi này cũng đầy rẫy cạm bẫy mà những kẻ lừa đảo giăng ra để chiếm đoạt tiền của người dùng.

Giả mạo hay lợi dụng danh tiếng của người nổi tiếng, nhân vật có sức ảnh hưởng trong lĩnh vực kinh doanh có lẽ đang là một vấn nạn. Mới đây, doanh nhân, nhà đầu tư nổi tiếng người Singapore, Adam Khoo đã phải lên tiếng cảnh báo những tài khoản lợi dụng tên tuổi của ông để mở các phòng chat nhằm mục đích lừa đảo người dùng.

“Tôi đã thật sự sốc khi phát hiện gần 80.000 người đã bị lừa bởi những tài khoản giả mạo tôi trên Telegram. ADAM KHOO SIGNALS và @adamkhoo101 là hai tài khoản nằm trong số những nhóm lừa đảo đó. Hàng trăm nghìn người sẽ bị mất sạch khoản tiết kiệm mà họ vất vả kiếm được bởi những chiêu lừa đảo như vậy.

 Adam Khoo, tác giả cuốn "Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế". (Ảnh: Adam Khoo).

Bởi vì lý do trên, tôi sẽ không sử dụng Telegram nữa. Quá nhiều kẻ lừa đảo và Telegram không có hành động ngăn chặn tình trạng này”, tác giả của cuốn “Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế” viết trên một bài đăng ở trang Facebook cá nhân.

Adam Khoo là tác giả sách bán chạy nhất và nhà đầu tư, chuyên nghiệp. Ông đã trở thành triệu phú tự thân ở tuổi 26, anh sở hữu và điều hành nhiều doanh nghiệp với tổng doanh thu hàng năm là 30 triệu USD. Các mối quan tâm kinh doanh của ông bao gồm giáo dục tài chính, đào tạo doanh nghiệp, trung tâm học tập và giáo dục thanh thiếu niên.

Năm 2008, Adam được tạp chí The Executive xếp hạng trong “25 người Singapore giàu nhất dưới 40 tuổi”. Ông cũng là một cố vấn, chuyên gia có tiếng trong lĩnh vực đầu tư tài chính.

Theo CoinMarketCap, Telegram từ lâu đã nổi tiếng là một nền tảng để thảo luận về bất kỳ thứ gì tiền điện tử và trên thực tế, mọi dự án lớn dựa trên công nghệ blockchain và cộng đồng tiền điện tử hiện đang được vận hành một nhóm hoặc kênh Telegram.

Chính vì sự phổ biến này mà Telegram trở thành một công cụ tuyệt vời cho bất kỳ ai muốn tìm hiểu kiến ​​thức về tiền điện tử và thảo luận về các dự án yêu thích của họ, nhưng ứng dụng này cũng thu hút sự chú ý từ những kẻ lừa đảo.

Hiện này, có vô số trò lừa đảo hoạt động cùng một lúc trên Telegram và trên thực tế, tất cả người dùng Telegram thông thường đều đã bị nhắm mục tiêu bởi ít nhất một hình thức lừa đảo tiền điện tử trên nền tảng này.

Nhìn chung, hầu hết tất cả các trò gian lận tiền điện tử này đều có một điểm chung là đều chủ yếu nhắm mục tiêu vào những người dùng thiếu kinh nghiệm, cũng như những người đang bắt đầu tham gia vào không gian tiền điện tử.

Theo một báo cáo của Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ, thiệu hại trong các vụ lừa đảo tiền ảo tại Mỹ trong năm 2022 đã chạm mốc 1 tỷ USD.

Cụ thể, trong giai đoạn từ tháng 1/2021 đến 2/2022, hơn 46.000 người đã mất tiền trong các vụ lừa đảo tiền điện tử. Đồng Bitcoin chiếm 70% các vụ lừa đảo liên quan đến tiền điện tử, tiếp theo là Tether với 10% và Ethereum là 9%.

Báo cáo được đưa ra vào thời điểm ngày càng lan rộng hiện tượng lừa đảo tiền điện tử cũng như sự sụp đổ của thị trường tiền điện. “Gần một nửa số người đã báo cáo mất tiền điện tử vào một vụ lừa đảo kể từ năm 2021 cho biết nó bắt đầu bằng một quảng cáo, bài đăng hoặc tin nhắn trên nền tảng truyền thông xã hội,” theo báo cáo nêu.

Hơn nữa, gần 4 trong số 20 USD bị đánh cắp có xuất phát từ mạng xã hội. Instagram, Facebook và WhatsApp thuộc sở hữu của Meta đã dẫn đầu lần lượt là 32%, 26% và 9% tổng số vụ lừa đảo được nêu trong báo cáo. Telegram chiếm 7%.

Hình thức lừa đảo này được cho là bắt đầu với lời hứa mang lại lợi nhuận khổng lồ cho các nhà đầu tư và đánh lừa sự hiểu biết hạn chế của mọi người về tiền điện tử. Ngoài ra, nhiều kẻ lừa đảo cũng thực hiện hành vi giả danh tính người khác để chiếm được sự tin tưởng của nạn nân trước khi ra tay chiếm đoạt tài sản của họ.

Theo báo cáo của Chainalysis, các vụ lừa đảo tiền điện tử toàn cầu đã đạt mức cao nhất mọi thời đại vào năm ngoái là 14 tỷ USD, nhưng đó chỉ là 0,15% tổng số giao dịch tiền điện tử.

Nhằm bảo vệ danh tiếng của mình cũng như cảnh báo người dùng về hình thức mạo danh lừa đảo, hôm 6/6, CEO Binance, ông Changpeng Zhao (CZ) đã bày tỏ quan điểm rằng ông sẵn lòng chụp hình với tất cả mọi người, song CEO Binance mong các cá nhân không sử dụng những hình ảnh đó để quảng bá cho dự án của họ.

CEO Binance đã tweet: "Tôi rất sẵn lòng chụp hình với mọi người tại các buổi hội thảo, sự kiện... và thoải mái khi mọi người chia sẻ nó. Tuy nhiên, tôi không thích cách mà các dự án lợi dụng hình ảnh đó để quảng bá cho họ. Tôi không bảo đảm hay cố vấn cho bất kỳ dự án nào hết".

Trước đó, hôm 23/5, CEO Binance từng lên tiếng cảnh báo về hiện tượng sử dụng ảnh chụp chung với ông cho mục đích lừa đảo. Ông viết: "Nếu ai đó gửi cho bạn hình ảnh họ chụp chung với tôi và nói rằng họ quen biết tôi, hãy xem đó là hành động lừa đảo. Bởi vì những người bạn thực sự của tôi sẽ không bao giờ và cũng không cần làm như vậy".

Thành Vũ